Kịch bản chống IS khi Trump làm tổng thống Mỹ

Sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump có thể sẽ ra lệnh đẩy mạnh chiến dịch oanh tạc tiêu diệt IS nhưng không mạo hiểm mở rộng triển khai lực lượng bộ binh.

Donald Trump tuyên bố sẽ ném bom ồ ạt IS . Ảnh:AP

Donald Trump khi vận động tranh cử đã tuyên bố nếu đắc cử, trong vòng 30 ngày sau khi ông nhậm chức, các tướng lĩnh phải trình cho ông một kế hoạch hiệu quả để tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), theo USA Today.

Trump cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống IS nhưng tránh để Mỹ sa lầy ở Trung Đông. Ông không ủng hộ sử dụng số lượng lớn binh sĩ Mỹ trên mặt đất để chiến đấu với phiến quân. Ông cũng khẳng định sẽ giữ bí mật các chi tiết liên quan đến kế hoạch diệt trừ IS, điều mà ông cho rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama không làm được khiến đánh mất yếu tố bất ngờ.

Những tuyên bố của nhà tài phiệt New York về kế hoạch chống IS đủ để giới chuyên gia rút ra một số dự đoán về phương án ông có thể triển khai trong cuộc chiến.

Tăng cường ném bom

Bình luận viên Jim Michaelstừ USA Today nhận định Donald Trump trước tiên có thể tìm kiếm các biện pháp tăng cường chiến dịch oanh tạc nhằm vào IS ở Iraq và Syria. "Tôi sẽ ném bom ồ ạt chúng", ông nói hồi năm ngoái.

Lầu Năm Góc khẳng định sẽ không cho phép thực hiện những cuộc ném bom đe dọa tính mạng dân thường nhưng nhiều nhà phân tích tin những chiến dịch oanh tác dữ dội hơn vẫn có thể triển khai mà không gây thương vong cho người dân.

David Deptula, trung tướng không quân Mỹ nghỉ hưu, lâu nay vẫn ủng hộ một chiến dịch ném bom mạnh mẽ hơn. "Cách tiếp cận của chính quyền Obama là chỉ ném bom ở mức độ tối thiểu, đủ để nói rằng họ đã làm gì đó", ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng ba.

Đến nay, chiến dịch oanh tạc đã được mở rộng phần nào. Bên cạnh tấn công các mục tiêu phiến quân và thủ lĩnh IS, những nhà hoạch định quân sự Mỹ còn chỉ đạo ném bom phá hủy cơ sở hạ tầng dầu khí của IS ở Syria.

Tuy nhiên, theo Jim Michaels, những phát ngôn hiếu chiến của ông Trump đôi lúc cũng khiến đồng minh lo âu. Khi tăng cường chiến dịch oanh tạc, Washington sẽ phải đối mặt với nguy cơ là các đồng minh có khả năng rút khỏi chiến dịch vì lo ngại gây rủi ro lớn hơn cho dân thường.

Hiện tại, Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Pháp, Jordan, Hà Lan, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Anh đang tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria. Những chiến đấu cơ từ các quốc gia này không thực hiện nhiều đợt oanh tạc như chiến đấu cơ Mỹ nhưng Nhà Trắng xem sự tham gia của họ là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy chiến dịch hợp pháp trên bình diện quốc tế.

Theo Jim Michaels, một bước thay đổi quan trọng khác có khả năng xảy ra là chính quyền Trump sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Lâu nay, chính quyền Obama từ chối phối hợp với quân đội Nga bởi Lầu Năm Góc cho rằng Nga quan tâm đến việc hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hơn là tấn công IS. Lầu Năm Góc phàn nàn một số vụ oanh tạc do Nga tiến hành nhắm mục tiêu vào các phiến quân nổi dậy ôn hòa được Mỹ bảo trợ và đang chiến đấu chống lại các lực lượng của Assad.

Chính quyền Trump có thể thử một cách tiếp cận thực dụng hơn là chấp nhận sự tồn tại của Assad, miễn là chính phủ Syria cam kết tấn công phiến quân IS.

"Tôi hoàn toàn không thích Assad nhưng Assad đang tiêu diệt IS", ông Trump nói trong một cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Song bất kỳ động thái phối hợp nào với Nga hay chính quyền Assad đều sẽ gây lo ngại cho Lầu Năm Góc bởi cơ quan này đang cáo buộc lực lượng Syria và Nga ném bom giết hại dân thường, chuyên gia đánh giá.

Khói bốc lên mù mịt từ thị trấn Kobane, Syria, sau một đợt oanh tạc của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu. Ảnh:AP

Thay thế tướng lĩnh

Trump bên cạnh đó có thể chọn các tư lệnh mới phù hợp với cách tiếp cận của ông trong vấn đề chống IS, Michaels dự đoán. Ông đã có vài lần tỏ vẻ coi thường giới lãnh đạo quân sự Mỹ và cho rằng một số tướng lĩnh chỉ là những bù nhìn chính trị. Ông thậm chí còn cáo buộc các tướng lĩnh quân đội đã "lụi bại" dưới thời chính quyền Obama.

Trump cùng một số cố vấn từng gợi ý muốn xây dựng dàn lãnh đạo quân sự mạnh mẽ hơn để chỉ huy cuộc chiến chống IS.

Trong một cuộc tranh luận tổng thống, nhà tài phiệt New York nhấn mạnh nếu hai lãnh đạo quân sự mạnh mẽ của Mỹ trong Thế chiến II là tướng George Patton và tướng Douglas MacArthur còn sống, họ sẽ sốc và thất vọng trước việc chính quyền bắn tín hiệu trước về kế hoạch tấn công tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, từ tay IS.

Nhưng Peter Mansoor, sĩ quan lục quân về hưu, nay là giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học bang Ohio, lại cho rằng ông Trump nên tránh thực hiện cuộc cải tổ nhân sự đột ngột với quy mô lớn trong quân đội.

"Theo tôi, vào thời gian đầu, ông ấy nên thay đổi bộ máy lãnh đạo từ từ. Trong vòng hai năm, ông ấy sẽ đưa vào bộ máy quân sự những nhân sự mà ông cảm thấy ăn ý", Mansoor cho hay.

VnExpress

Khói bốc lên mù mịt từ thị trấn Kobane, Syria, sau một đợt oanh tạc của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu. Ảnh:AP

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/quoc-te/kich-ban-chong-is-khi-trump-lam-tong-thong-my-29632.html