Khuyến khích người dân tham gia chống ùn tắc giao thông

Mấy tháng nay, cứ đầu giờ sáng, người dân đi qua đoạn xa lộ Hà Nội giao Võ Trường Toản (quận 2, TP Hồ Chí Minh) không khỏi ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông ngoại quốc chạy ngược xuôi hò hét, chỉ hướng cho xe cộ di chuyển. Đó là Phi-líp Râu-gơ (Philip Rogers), Hiệu trưởng khối cấp 2 và 3 một trường quốc tế ở khu vực này. Khi được hỏi, ông cho biết: "Tôi nghĩ lượng xe đưa đón học sinh của trường cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, tự thấy mình phải có trách nhiệm trong việc này cho nên muốn góp sức".

Hơn 20 năm qua, ông Phạm Quang Đẩu, 56 tuổi, trú tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh không quản ngại khó khăn, tuổi tác, luôn có mặt tại các điểm kẹt xe vào giờ cao điểm để hướng dẫn các phương tiện qua lại. Người dân sống tại những khu vực này rất yêu mến, thấy ông vất vả còn tiếp sức bằng nước uống, đồ ăn. Ông Đẩu đã được nhận nhiều bằng khen của các cơ quan, ban, ngành của thành phố và Bằng khen của Bộ Giao thông vận tải về thành tích giải quyết kẹt xe. Hay ở ngã tư Canh (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội), hình ảnh anh chủ quán phở Nguyễn Sĩ Cường tất tả tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng điều phối giao thông điểm ùn tắc đã trở nên quen thuộc đối với mọi người. Người dân ở đây trìu mến gọi anh là "Cường giao thông". Còn tại ngã tư Quan Nhân - Cống Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), hơn ba năm nay, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Hoàng Thắng, nhân viên bảo vệ một nhà hàng gần đó luôn tự nguyện đứng ra phân luồng giao thông vào giờ cao điểm, bất kể trời mưa nắng...

Lâu nay, vấn nạn kẹt xe đã trở thành chuyện thường ngày ở nhiều nút giao thông, vào giờ cao điểm của các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tham gia điều tiết, không chỉ có cảnh sát giao thông mà cả lực lượng công an, dân phòng trên địa bàn. Sự góp mặt của những "trật tự viên" tự nguyện, tích cực đã góp phần ổn định trật tự, an toàn giao thông tại các điểm nóng; nhận được sự chấp hành, cảm kích của mọi người. Không có chuyên môn nghiệp vụ, song dẫu chỉ một mình hay phối hợp cùng đội ngũ công an, dân phòng, các "trật tự viên" tự nguyện này đã điều tiết giao thông khá thuần thục, góp phần giải tỏa ùn tắc. Với tấm lòng tự nguyện, vô tư vì cộng đồng, họ bền bỉ làm công việc "vác tù và".

Giao thông trên đường phố vào giờ cao điểm, gặp ách tắc, hẳn mỗi người trong chúng ta đều sốt ruột bởi phải chôn chân chờ đợi hoặc nhích từng chút một trong bối cảnh ngột ngạt nóng bức hay mưa gió, giá rét. Chưa kể đến tâm lý nôn nóng của những người có công việc gấp gáp. Trong cảnh ngộ đó, không thể không cảm kích khi có người dân đứng ra hướng dẫn, thuyết phục các phương tiện theo đúng hướng, góp phần giải tỏa ùn tắc. Không ít người dù bức xúc trước tình trạng giao thông ùn tắc, nhưng khi được hỏi có sẵn lòng trở thành như họ không, câu trả lời thường là sự ngần ngại vì xấu hổ; hoặc không có thời gian; không biết cách hướng dẫn phương tiện di chuyển... Như vậy, có thể thấy những người tự nguyện đứng ra hỗ trợ cảnh sát giao thông điều tiết phương tiện, người tham gia giao thông đã vượt qua trở ngại tâm lý thông thường; không dừng lại ở sự bực bội, cáu gắt hay im lặng kiên nhẫn chờ đợi để nhích xe lên mà tiến tới hành động cụ thể. Và nhận được sự ủng hộ, chấp hành của số đông, họ đã làm tốt vai trò của mình; nhiều khi chấp nhận cả những phiền hà, bất lợi cho bản thân. Những hành động, tấm gương đó cần được nhân rộng, trân trọng và phát huy.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31387902-khuyen-khich-nguoi-dan-tham-gia-chong-un-tac-giao-thong.html