Khuyến khích nghề cá ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang

Với hệ thống sông Lô, sông Gâm và diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Chiêm Hóa đã tạo cho tỉnh Tuyên Quang có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề cá, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy lợi, thủy điện. Nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương phát triển khá nhanh về diện tích, tăng sản lượng, thu được giá trị cao, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản bao gồm ao hồ nhỏ 2.016,3 ha; hồ thủy lợi 729,9 ha; hồ thủy điện Tuyên Quang 8.446,5 ha; nuôi cá ruộng 6 ha; 663 lồng nuôi cá trên sông, hồ; sản lượng cá nuôi năm 2015 đạt 3.414,3 tấn, tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2014. Nhiều giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: cá dầm xanh, anh vũ, cá chiên, lăng, diêu hồng, cá tầm, cá bỗng...

Ngay sau khi hồ thủy điện Tuyên Quang tích nước, để giúp tỉnh Tuyên Quang phát huy thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, ngày 31-12-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định 3732/QĐ-BNN-NTTS phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện Tuyên Quang. Quyết định này nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển thủy sản hồ chứa nói chung, phát triển mạnh nghề nuôi cá hồ chứa nói riêng với việc bổ sung tái tạo nguồn lợi để khai thác, nuôi cá eo, ngách, nuôi cá lồng bè tập trung để tạo khối lượng hàng hóa. Góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, tăng nguồn thực phẩm, cải thiện đời sống nhân dân và ổn định an ninh xã hội vùng Na Hang. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ và xây dựng hạ tầng nghề cá ven hồ sẽ tạo thêm cảnh quan và địa chỉ hấp dẫn cho du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển. Quyết định này cũng nêu rõ quy mô đầu tư và các hạng mục công trình, gồm: cơ sở sản xuất giống; khu bến cá và hậu cần dịch vụ. Trong đó, trọng tâm là ương cá giống cung cấp cho các hộ gia đình và xây dựng một cảng cá trở thành trung tâm, đầu mối cung cấp, phân luồng sản phẩm cá thịt thương phẩm, từ đó nâng cao giá trị tạo thương hiệu cá hồ thủy điện Tuyên Quang. Dự án khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đạt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân vùng lòng hồ nói riêng và của nhân dân trong vùng nói chung.

Thực hiện quyết định của Bộ NN&PTNT, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, khu bến cá và hậu cần dịch vụ đã cơ bản được hoàn thành góp phần tích cực cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ.

Hồ thủy điện Tuyên Quang được bao bọc bởi những dãy núi cao, với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Vào mùa mưa, một lượng lớn các chất hữu cơ từ các khu rừng chung quanh theo nước mưa chảy xuống, mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho các loài thủy sản sinh sống trong lòng hồ. Với những ưu thế về địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện môi trường, hồ thủy điện Tuyên Quang là địa điểm lý tưởng để nuôi trồng thủy sản. Phát huy thế mạnh này, thời gian qua Trung tâm Thủy sản tỉnh đã phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện Na Hang, Lâm Bình và các xã vùng lòng hồ thủy điện triển khai mô hình nuôi cá lồng và cá eo, ngách. Các giống cá được nuôi gồm: cá tầm, cá anh vũ, cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá quất, cá bỗng… Đây là những giống cá có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, môi trường của vùng lòng hồ thủy điện. Với trữ lượng lớn cá nuôi và cá đánh bắt tự nhiên, hồ thủy điện Tuyên Quang là nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các huyện Na Hang và Lâm Bình đã thu hút được bốn doanh nghiệp lớn cùng nhiều hợp tác xã, hộ nông dân tham gia nuôi cá lồng với hơn 500 lồng cá. Các hộ dân và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đều được hỗ trợ một phần về vốn, giống và kinh nghiệm trong chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Huyện Na Hang hiện có 391 lồng cá. Các lồng cá được liên kết với nhau bằng những khung thép chắc chắn trên những chiếc phao và được neo cố định nên việc đi lại rất dễ dàng, có nhà lạnh để chứa thức ăn dự trữ cho cá. Với hình thức chăn nuôi tập trung, sản xuất lớn theo quy mô công nghệ hiện đại và sử dụng các loại thức ăn tại chỗ (các loại cá tạp giá trị kinh tế thấp) cộng với chất lượng môi trường nước sạch, cho nên sản phẩm mà công ty cung cấp cho người tiêu dùng đều là thực phẩm an toàn, được ưa chuộng. Tại huyện Lâm Bình, Công ty cổ phần Trứng cá tầm Việt Nam đã đưa 140.000 trứng cá tầm giống Si-bê-ri-a lên nuôi ươm tại chân thác Nặm Me, xã Khuôn Hà. Đây là loài cá nước lạnh quý hiếm được nhập khẩu tại Liên bang Nga và Si-bê-ri-a, có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nuôi cá eo, ngách cũng là mô hình được phát triển mạnh trên vùng lòng hồ thủy điện. Đây cũng là một cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng lòng hồ này. Khi hồ thủy điện dâng nước, ngoài phần lòng hồ chính thì những khu vực suối, rạch đã trở thành những lòng hồ nhỏ, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của nhiều loài thủy sản. Không khí tự nhiên trong lành, mát mẻ không bị ảnh hưởng của khói bụi công nghiệp cộng với môi trường nước sạch, chung quanh đã tạo ra nguồn dinh dưỡng rất cao cho cá sinh trưởng. Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng và cá eo, ngách, từ năm 2009, tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, đối với nuôi cá lồng, hỗ trợ một lần về giống 600 nghìn đồng/lồng, riêng nuôi cá đặc sản được hỗ trợ 1,6 triệu đồng/lồng; đối với nuôi cá eo, ngách được hỗ trợ một lần về giống theo diện tích mặt thoáng (với những diện tích nuôi từ ba ha trở lên) mức tối đa là 7 triệu đồng/ha và tối đa là 70 triệu đồng/eo, ngách có diện tích lớn. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình dân tộc nơi đây đã có điều kiện tận dụng và phát huy hiệu quả diện tích eo, ngách cho việc chăn nuôi cá. Anh Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang là một thí dụ. Tận dụng eo, ngách ngay sau khu vực gia đình sinh sống, năm 2010, anh Sơn và bốn hộ gia đình trong thôn đã đầu tư hệ thống lưới ngăn tạo thành một hồ nuôi cá với diện tích hơn 10 ha. Được hỗ trợ 70 triệu đồng tiền mua giống. Anh cho biết, do nước hồ sạch, phù du nhiều, sẵn cỏ nên nuôi cá eo, ngách không tốn nhiều thức ăn và công lao động, mỗi năm cũng cho thu nhập 70-80 triệu đồng. Tương tự như gia đình anh Sơn, khi đoạn đường vào bến cá ở lòng hồ được xây dựng xong đã tạo nên một diện tích eo, ngách khoảng 5 ha, gia đình anh Chẩu Văn Bình, trú tại tổ 2, thị trấn Na Hang đã lập dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để xin tận dụng diện tích này nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, dự án được duyệt, anh Bình được hỗ trợ 35 triệu đồng tiền mua cá giống các loại chép, bỗng và rô phi. Đến nay cá phát triển tốt.

Đồng chí Chẩu Trung Kiên, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Hang cho biết, qua tổng kết, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện, tập trung phát triển nuôi cá eo, ngách, cá lồng, bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn lòng hồ. Trung bình mỗi một lồng cá đem lại thu nhập 15 triệu đồng trên một mô hình. Đối với nuôi cá eo, ngách, người dân có thể tận dụng được diện tích mặt nước, nguồn thức ăn tự nhiên và bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Huyện tiếp tục tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt việc chăn nuôi, hạn chế sử dụng các nông cụ, ngư cụ đánh bắt cá hủy diệt; không sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi thủy sản không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh Tuyên Quang đang xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, đây là một trong những nội dung của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng. Trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn đến năm 2020 là 4,74%/năm với tổng sản lượng thủy sản hơn 8 nghìn tấn, trong đó gần 800 tấn cá đặc sản và đến năm 2025 đạt gần 10.000 tấn, trong đó cá đặc sản là gần 1.500 tấn. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng, trong đó khuyến khích các hộ nuôi thủy sản, sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tập trung xây dựng thương hiệu cho các loài cá đặc sản; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31281702-khuyen-khich-nghe-ca-o-long-ho-thuy-dien-tuyen-quang.html