Khuyến khích đầu tư khai hoang, phục hóa và lấn biển

Khai hoang, phục hóa đất đai và lấn biển nhằm biến những vùng đất khó, đất xấu thành những vùng đất có thể canh tác hoặc xây dựng nhà ở là việc luôn được khuyến khích.

Khi đó, đất đai thực sự trở thành tư liệu sản xuất cho người lao động, tài nguyên đất trở thành nguồn lực cho phát triển. Nhưng hành động này có phải lấn chiếm đất để xây dựng nhà cửa, sản xuất nông nghiệp là hai hành động hoàn toàn khác nhau.

Khoản 2, Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây là các vùng đất chưa sử dụng và chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai không qui định xử phạm vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng do UBND cấp xã quản lý. Việc khai hoang phục hóa nhiều năm liền, được chính quyền địa phương, người xung quanh công nhận sẽ được Nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc lấn, chiếm đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 12, Luật Đất đai 2013. Đối với hành vi này, tùy theo mức độ, lãnh đạo các cấp địa phương sẽ có xử lý và buộc trả lại đất lấn chiếm.

Khai hoang, phục hóa đất đai nhằm biến những vùng đất khó, đất xấu thành những vùng đất có thể canh tác là việc luôn được khuyến khích. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Trong trường hợp người lấn chiếm vào vùng đất chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thì chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng của từng hộ gia đình, cá nhân cụ thể để làm cơ sở không bồi thường về đất khi thu hồi để thực hiện qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai 2013.

Theo quy định tại Điều 164 và Điều 208 Luật Đất đai 2013, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào hồ sơ địa chính; Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chăn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Trong trường hợp do không phát hiện kịp thời việc người dân chiếm đất và đã xây dựng các công trình, trồng cây cối trên đất hoang (đất chưa giao), thì việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai trong trường hợp này đã được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013. Trình tự, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp này đã quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 66 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Hướng xử lý là UBND cấp xã thực hiện việc rà soát từng trường hợp cụ thể, báo cáo về UBND cấp huyện để áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền.

Vân Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phap-luat/khuyen-khich-dau-tu-khai-hoang-phuc-hoa-va-lan-bien-20161118082456733.htm