Khủng hoảng Venezuela ngày càng leo thang

Hàng triệu người dân Venezuela đã tham gia tổng đình công được kêu gọi bởi phe đối lập, gây sức ép đòi Tổng thống Nicolás Maduro tuyên bố hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 30/7. Cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến ít nhất ba người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị bắt giữ.

Đài BBC News đưa tin: Ông Maduro nói cuộc biểu tình chỉ là một phần nhỏ và các lãnh đạo biểu tình sẽ bị bắt giữ. Từ tháng 4/2017, khi các cuộc đảo chính trở nên căng thẳng, gần 100 người đã thiệt mạng trên toàn đất nước.

Người biểu tình lập rào chắn trên phố. (Ảnh: Reuters)

85% người dân cả nước đã tham gia biểu tình

Người biểu tình đã chặn các con đường tại thủ đô Caracas và các thành phố khác bằng rác và đồ nội thất. Phe đối lập cho biết 85% người dân cả nước đã tham gia cuộc biểu tình. Nhưng tại một số khu vực ở thủ đô được chính phủ kiểm soát, cuộc sống vẫn diễn ra như mọi khi với nhiều cửa hàng vẫn tiếp tục kinh doanh và phố xá nhộn nhịp. Các cơ quan, quan chức nhà nước cũng làm việc bình thường.

Tại nhiều thành phố, cảnh sát đã sử dụng súng hơi cay bắn vào những người biểu tình. Một trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận tại vùng ngoại ô Caracas và hai trường hợp khác tại thành phố Valencia ở phía bắc Venezuela, hơn 360 người bị bắt trên toàn đất nước.

Colombia, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và EU đã kêu gọi chính phủ Venezuela hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân về việc thành lập quốc hội mới vào ngày 30/7. Nhưng ông Maduro từ chối nghe theo lời kêu gọi này.

Người biểu tình và cảnh sát đụng độ. (Ảnh: AFP)

Ông Maduro phản pháo

Trong một phát biểu trên truyền hình, ông Maduro tuyên bố mình đã đạt thắng lợi lớn, rằng các nhóm công nghiệp trọng điểm đều không tham gia biểu tình: “Lao động đã chiến thắng với tình yêu, cuộc sống, và hy vọng; lao động đã giành chiến thắng. Họ (phe đối lập của Venezuela) là những người chưa bao giờ lao động, hãy để họ cứ tiếp tục như vậy, còn chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Tôi đã ra lệnh bắt giữ tất cả những thành phần khủng bố cực đoan”.

Quốc hội sẽ có quyền xây dựng lại hiến pháp và thông qua cơ quan lập pháp hiện đang được kiểm soát bởi phe đối lập. Phe đối lập nói ông Maduro muốn sử dụng quốc hội để củng cố vị trí quyền lực của mình, trong khi vị tổng thống này cũng nói rằng hiến pháp mới sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các nền chính trị phân cực.

Phe đối lập đã gia tăng lịch biểu tình trong những ngày cận kề cuộc bầu cử, bao gồm cuộc đình công kéo dài 24 giờ hôm thứ Năm và cuộc tuần hành của người dân vào thứ Bảy. Cùng lúc đó, Isaias Medina, nhà ngoại giao kỳ cựu đại diện cho Venezuela tại Liên hợp quốc đã từ chức nói rằng ông không thể làm người đại diện cho một chính phủ có những hành động vi phạm nhân quyền.

Ông Maduro nói cuộc biểu tình chỉ là một phần nhỏ. (Ảnh: AP)

Vì sao Venezuela rơi vào khủng hoảng?

* Gần 100 người đã thiệt mạng từ những cuộc đụng độ do căng thẳng chính trị leo thang.

* Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng do sự giảm giá dầu, vốn chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu của Venezuela và từng được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho một số chương trình xã hội của chính phủ. Buộc phải cắt giảm chi tiêu công, Tổng thống Maduro đánh mất sự ủng hộ của nhiều chính trị gia cốt cán.

* Các nhu cầu thiết yếu, bao gồm thuốc thang và thực phẩm, đều giảm cung.

* Phe đối lập cáo buộc ông Maduro quản lý nền kinh tế kém và làm suy giảm thể chế dân chủ.

* Tháng 3/2017, Tòa án Tối cao quyết định sẽ giành quyền kiểm soát quốc hội. Quyết định này bị thu hồi, nhưng phe đối lập cáo buộc ông Maduro xây dựng một cuộc đảo chính. Việc này đã làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày đề nghị ông từ chức.

Tổng thư ký OAS Luis Almagro nói chính phủ Venezuela đàn áp biểu tình. (Ảnh: Reuters)

Nguy cơ bùng nổ bạo loạn

Trước đó, nguời đứng đầu Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro, đã cảnh báo về sự thiệt hại có thể xảy ra bởi tình hình hiện nay, cáo buộc rằng chính phủ của ông Maduro “tay đã nhuốm máu”.

Ông Almagro là một trong những nhà phê bình chính trị thẳng thắn và quyết liệt nhất đối với chính phủ Venezuela. Ông cảnh báo tình hình khủng hoảng tại Venezuela đang xấu đi, có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ bạo lực. “Mặc dù không nói ra, nhưng nỗi sợ của mọi người là những gì đang diễn ra ở Venezuela có thể trở thành một cuộc tắm máu” - ông Almagro nói.

Cảnh báo này được đưa ra ngay sau khi cuộc biểu tình kéo dài 24 giờ diễn ra vào hôm 20/7. Nhiều người biểu tình đã dùng chướng ngại vật chặn đường tại thủ đô Caracas và các thành phố khác. Trang mạng của phe đối lập đưa ra những hình ảnh chụp lại đường phố Caracas trong khi những người ủng hộ chính phủ lại truyền trên mạng xã hội những bức ảnh của họ đang làm việc để chứng minh rằng mình không tham gia vào các buổi biểu tình.

“Chính quyền Venezuela và nạn tham nhũng chính là nguyên nhân” - ông Almagro từ lâu đã là người phê phán mạnh mẽ và thẳng thắn nhất đối với chính quyền Venezuela. Những ngày gần đây, càng có nhiều người ủng hộ ông Almagro để gây sức ép lên Tổng thống Maduro.

Hôm thứ Ba, hai tờ New York Times và El Pais của Tây Ban Nha đã xuất bản bài báo nêu ý kiến của nhà nhạc trưởng nổi tiếng Gustavo Dudam, trong đó nói rằng quốc hội này nếu được thành lập sẽ “không phải là câu trả lời”. Quyết định tiến hành bầu cử quốc hội lập hiến của chính phủ bị phe đối lập cho là nước cờ để tại vị.

Phản bác lại ý kiến đó, Tổng thống Maduro nói hiến pháp mới sẽ giúp Venezuela đối thoại. Venezuela đã và đang phải trải qua giai đoạn bất ổn về chính trị trong điều kiện kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ lạm phát cao, hàng hóa khan hiếm, thiếu điện nước trên diện rộng, sản xuất ngưng trệ là hiện trạng tại Venezuela, quốc gia phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Theo ông Almagro, biểu tình tại Venezuela sẽ vẫn còn tiếp tục trong bối cảnh hai phe đối lập và ủng hộ Tổng thống Maduro không ai chịu nhường ai. Và nguy cơ bùng nổ một cuộc bạo loạn là rất cao.

Anh Dũng (Tổng hợp)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/khung-hoang-venezuela-dung-do-trieu-nguoi-dinh-cong-d59878.html