Khung cửa tư pháp: Tố tụng xoay vòng…

Được nghỉ ba ngày Tết dương lịch thật sự là một liều thuốc bổ, như một chặng nghỉ sau hành trình rong ruổi trên con đường tố tụng gập ghềnh.

Vậy mà, khi sương mờ lãng đãng giăng trên sông Sài Gòn vào sáng sớm, ký ức về những chuyện xưa cũ, tưởng đã đi vào quên lãng lại trỗi dậy, khi tôi nhận được đơn yêu cầu viết từ trại cải tạo ở một tỉnh miền Trung của bị án Võ Anh Tuấn - một khách hàng cũ trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như gửi về cho tôi. Chuyện gì đang xảy ra về mặt tố tụng liên quan một vụ án đình đám tưởng đã khép lại năm nào vậy?

Vào ngày 7.1.2015, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định giữ nguyên hình phạt chung thân đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và 20 năm tù đối với Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến chuỗi hành vi của Võ Anh Tuấn bị quy buộc với vai trò đồng phạm, Tòa phúc thẩm đã tách ra một hành vi đã được bản án sơ thẩm xem xét và cho rằng Tuấn đồng phạm với Huyền Như về hành vi “tham ô tài sản” đối với khoản tiền gửi trên 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên, nên đã quyết định hủy án để tiến hành điều tra lại, cùng với trách nhiệm của Như đối với 4 công ty khác.

Trong bản án hình sự sơ thẩm, Võ Anh Tuấn bị xét xử liên quan đến rất nhiều hành vi, trong đó bị coi là có vai trò đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 1.598 tỉ đồng của 3 công ty (trong đó có Công ty Hưng Yên) và bị tuyên y bản án sơ thẩm 20 năm tù. Hành vi của Võ Anh Tuấn chỉ bị giới hạn ở chỗ với tư cách Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Tuấn đã cùng Như gặp đại diện của các Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên để huy động tiền về cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. Võ Anh Tuấn được Huỳnh Thị Huyền Như gửi qua email mẫu hợp đồng huy động tiền gửi giữa Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với các Công ty nhưng không có ý kiến gì. Hồ sơ trước đây và quá trình điều tra lại đều kết luận Như tự sửa hợp đồng, giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, đóng dấu giả Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè rồi fax ra cho Nguyễn Thị N. để các công ty ký và chuyển tiền theo hợp đồng.

Kết quả điều tra lại sau khi hủy án vẫn xác định, từ tháng 5.2011 đến tháng 9.2011, Như đã làm giả 8 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với Công ty Hưng Yên, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, sau đó chiếm đoạt trên 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên. Do đó, bản cáo trạng số 01/KSĐT-VKSTC-V3) ngày 2.12.2016 mới đây, Viện kiểm sát tối cao không đồng thuận với quyết định hủy án của Tòa phúc thẩm, vẫn giữ nguyên quyết định truy tố Võ Anh Tuấn với vai trò đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với số tiền trên 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên.

Vấn đề đặt ra là, trong toàn bộ các hành vi liên quan đến vai trò của Võ Anh Tuấn, các yếu tố cấu thành tội danh và định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đều đã được Tòa sơ thẩm xem xét, nên đã quyết định xử phạt Võ Anh Tuấn 20 năm tù giam. Bản thân Võ Anh Tuấn cho rằng, việc định tội danh và hình phạt nêu trên là chưa thỏa đáng vì trong quá trình điều tra, Tuấn khẳng định không quen biết và không có bất kỳ giao dịch, vay mượn hay huy động vốn từ 3 công ty trên. Thông qua Như giới thiệu về một số công ty có nguồn tiền gửi vào các Ngân hàng, Tuấn kết hợp đi công tác ngoài Bắc, có gặp đại diện là cô V.A. ở Ngân hàng H. mà thôi. Trong yêu cầu điều tra bổ sung trước đây, chính Viện kiểm sát tối cao cũng nhận định: “Võ Anh Tuấn chỉ có hành vi biết việc làm sai trái của Như, nhưng không ngăn cản để mặc, với kết quả điều tra như vậy thấy chứng cứ kết luận Võ Anh Tuấn đồng phạm lừa đảo còn yếu”.

Về mặt pháp lý, Khoản 3 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Mặc dù chưa có hiệu lực do Bộ luật Hình sự 2015 bị hoãn thi hành, nhưng quy định có lợi người phạm tội được nêu tại Điều 14 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã khẳng định rõ: “Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm”. Rõ ràng, hành vi liên quan Công ty Hưng Yên nằm trong chuỗi các hành vi đã được Tòa sơ thẩm xem xét và quyết định hình phạt, nay Viện kiểm sát tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm như cáo trạng trước đây đã được xét xử. Do đó, việc tiếp tục duy trì quyết định truy tố hành vi của Võ Anh Tuấn đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như trong việc chiếm đoạt tài sản của Công ty Hưng Yên trong cáo trạng mới của Viện kiểm sát tối cao rõ ràng đã gây bất lợi cho bị án Võ Anh Tuấn.

Hy vọng câu chuyện nói trên sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng cân nhắc, xem xét lại, để bị án Võ Anh Tuấn an tâm cải tạo sớm trở về với xã hội và vòng xoáy tố tụng không làm khổ tâm thêm những người thân trong gia đình khi tháng ngày cuối năm âm lịch đang đến gần…

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khung-cua-tu-phap-to-tung-xoay-vong-627910.bld