Khúc tráng ca người anh hùng bình dị

Mới đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có buổi tổng duyệt vở cải lương 'Tướng quân ăn mày'. Tôi đã có cơ duyên được xem và bị cuốn hút vì chất lạ của vở kịch ngay từ tên gọi.

Vở diễn được khởi công vào tháng 5/2017, với sự tham gia sáng tạo của Nguyễn Toàn Thắng – tác giả kịch bản, NSƯT Triệu Quang Vinh chuyển thể cải lương, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên. Nhân vật chính trong vở cải lương “Tướng quân ăn mày” (tên ban đầu là “Khất sỹ”) là Phạm Ngũ Thư, cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan sống phiêu bạt. Ít lâu sau, nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược. Trước cảnh đất nước lầm than, nhân dân đói khổ, Phạm Ngũ Thư đau đáu không yên, quyết định tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Với tài trí hơn người, ông được chủ tướng tin cậy. Phạm Ngũ Thư đã nghĩ ra một kế hay: Tiến hành xây dựng một hệ thống tình báo ngụy trang ăn mày để thu thập tin tức của quân địch. Sau này, khi nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi, ông lại chọn từ bỏ mọi hào quang, trở về với đời thường dân một cách nhẹ nhõm.

Một cảnh trong vở cải lương “Tướng quân ăn mày”

Một cảnh trong vở cải lương “Tướng quân ăn mày”

Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng kể rằng anh muốn khắc họa chân dung một tướng quân ăn mày có thật trong lịch sử, dù lịch sử chỉ chép vài dòng ngắn ngủi. Bởi nhân vật trong lịch sử đó rõ ràng là hiển hách hơn nhiều so với nhân vật Hồng Thất Công, Bắc Cái trong loạt nhân vật Võ lâm ngũ bá của Kim Dung, ông tổ truyện kiếm hiệp.

Sân khấu mở đầu bằng cảnh Phạm Ngũ Thư kiên quyết từ quan dù Hồ Hán Thương ra sức kêu gọi. Tôi ấn tượng bởi thiết kế của họa sỹ NSƯT Doãn Bằng khi anh dùng biểu tượng cái vành nón và cây gậy làm ma két chính của vở. Cây gậy và cái nón, biểu tượng của đời hành khất. Phạm Nhật Linh trong vai Phạm Ngũ Thư đã bước ra sân khấu đĩnh đạc ngay từ cảnh đầu, ca và diễn đều rất ấn tượng. Và từ vai diễn này, như đạo diễn Triệu Trung Kiên nói, Phạm Nhật Linh đã có tên trong giới kép đẹp cải lương miền Bắc.

Diễn viên Tuấn Cường trong vai Hồ Hán Thương cũng làm tốt tròn vai của mình. Khi anh ca từ Đoản khúc Lam giang sang vọng cổ, khán giả không kịp vỗ tay bởi anh chuyển điệu ngọt quá. Hoàng Dân trong vai trùm ăn mày Trương Tửu đã khiến cả rạp nổ tung vì diễn xuất của mình. Vai phản diện nhiều đất diễn thế nhưng nếu không khéo lại thành lố, điều này đã được Hoàng Dân tiết chế rất tốt. Anh diễn không bằng ngoại hình, dù ngoại hình của anh là lợi thế lớn cho những vai dạng này, mà bằng chiều sâu. Bởi chỉ bằng ngoại hình, không thể tả hết nội tâm phức tạp của nhân vật này, bỗng khóc, bỗng cười, rất khó đoán.

Giới chuyên môn đánh giá cao vai diễn này của Hoàng Dân, và tất nhiên, khán giả không ngoại lệ. Nếu cứ tiếp tục diễn cho nhuyễn hơn, vai diễn của Hoàng Dân chắc sẽ đem lại cho anh giải cao trong liên hoan cải lương chuyên nghiệp sẽ được tổ chức vào năm sau, 2018. Cảm hứng chủ đạo của vở cải lương Tướng quân ăn mày không khó để nhận ra. Đó là cảm hứng về lòng yêu nước, về sự tự hào dân tộc. Tác giả, đạo diễn và toàn bộ ê-kip sáng tác đều cố công làm nổi bật điều đó, và quan trọng hơn là đã gieo được đến khán giả. Khi đến cảnh Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ, gần như cả rạp vỗ tay, bởi câu thoại cũng như hành động của nhân vật đã chạm đến khán giả.

Diễn viên Thy Nhung trong vai Trí Duyên, người nữ hành khất mà Phạm Ngũ Thư đã gặp trong chặng đường bôn tẩu của mình cũng đem lại cho khán giả nhiều tình cảm. Đây là nhân vật mang hơi hướng nữ hiệp, vừa mềm mại trong tình yêu vừa can trường trong cuộc sống. Thy Nhung đã hóa thân vào nhân vật nhẹ nhàng như không, diễn như đời. Chỉ tiếc là một số đoạn Thy Nhung ca hơi đuối, có lẽ là do sức khỏe bởi gần đến buổi tổng duyệt, các diễn viên gần như phải căng sức ra. Điểm yếu này chắc sẽ được khắc phục trong những buổi diễn lần sau.

Âm nhạc của nhạc sỹ Như Sơn viết rất tốt, vừa đủ để minh họa vở diễn, lại có đời sống riêng. Ca khúc nhạc nền dựa trên lời thơ của chính tác giả, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng được vang lên hai lần vừa để chuyển cảnh vừa để nói lên tâm sự của nhân vật chính, rất đắt. “Mai ta vào cuộc gió sương Gia tài là chút bụi đường đậu vai…” . Và trên nền nhạc ấy, dàn nhạc cổ của Nhà hát Cải lương Hà Nội như được chắp thêm cánh. Đàn guitare phím lõm và đàn tranh chạy rất quyện, chơi không nhiều chữ đàn nhưng chắc chắn và nhấn nhá đĩnh đạc. Nếu khán giả sành cải lương hẳn sẽ nhận ra đặc trưng của đàn cải lương chất Bắc.

Và cuối cùng, không thể không tỏ lời cảm phục đạo diễn Triệu Trung Kiên khi anh lao vào một đề tài không dễ, mặc dù câu chuyện hết sức hấp dẫn. Đạo diễn đã xử lý các mảng miếng rất tốt, chỉ hơi tiếc cảnh Phạm Ngũ Thư bị học trò quay lưng lại là chưa có điểm nhấn, và phần cuối hơi dài. Tuy nhiên, không cái gì vẹn toàn 10 phần cả, có một chút luyến tiếc cũng là lẽ thường, và chút luyến tiếc ấy không ảnh hưởng gì đến một vở diễn hấp dẫn, nhân văn mà lại đề cao lòng yêu nước, điều mà ngày hôm nay, do mải mê chạy theo thị trường, nhiều vở diễn đã bỏ qua.

Trần Vân Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khuc-trang-ca-nguoi-anh-hung-binh-di-56620.html