Khuất tất trong 2 bản hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người lao động

Ông Trần Xuân Mới (1976, trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) gửi đơn đến Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh về việc: Công ty cổ phần QN-Eden Đà Nẵng (Cty QN-Eden, số 5- Duy Tân, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với ông là trái pháp luật. Ông Mới đã khởi kiện ra TAND Q. Hải Châu yêu cầu Cty QN-Eden phải bồi thường các khoản do đơn phương chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên yêu cầu của ông đã bị bác bỏ... Vì vậy, ông cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét đầy đủ, toàn diện những kết luận quan trọng có giá trị pháp lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Ông đã có đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng đồng thời có đơn kháng cáo đối với bản án nói trên.

Theo ông Mới trình bày, ngày 4-11-2012, Cty QN-Eden và ông giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 1 năm, từ ngày 14-11-2012 đến ngày 14-11-2013 để làm việc tại khách sạn QN-Eden với chức danh Tổng quản lý khách sạn, mức lương 30 triệu đồng/tháng. Trong thời gian hợp đồng phải ký quỹ 10% lương mỗi tháng cho Cty đến khi đủ một tháng tiền lương. "Chấp hành các nội dung thỏa thuận tại hợp đồng, tôi đã hoàn thành các công việc được giao. Đến ngày 1-4-2013, Cty bất ngờ chấm dứt HĐLĐ với tôi, yêu cầu tôi phải bàn giao công việc mà không hề báo trước và cũng không nêu lý do vì sao đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi...", ông Mới nói.

Vì vậy, ông Mới đã khởi kiện yêu cầu Cty QN-Eden phải bồi thường các khoản do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Cụ thể, tiền lương cho những ngày không làm việc, từ ngày chấm dứt HĐLĐ 1-4-2013 đến 14-11-2013 là 224 triệu đồng; tiền ký quỹ trong 4 tháng mà Cty giữ lại từ 10% tiền lương hàng tháng tương ứng là 12 triệu đồng; tiền bồi thường 30 ngày lương do Cty vi phạm thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ là 30 triệu đồng; tiền bồi thường 2 tháng lương theo HĐLĐ tương ứng 60 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ông Mới yêu cầu Cty bồi thường là 326 triệu đồng.

HĐLĐ số 01 và hợp đồng không số được 2 bên đương sự cung cấp cho TA.

HĐLĐ số 01 và hợp đồng không số được 2 bên đương sự cung cấp cho TA.

Phía Cty QN-Eden lại cho rằng, ngày 14-11-2012, Cty và ông Mới ký HĐLĐ có thời hạn dưới 1 năm (kể từ ngày 14-11-2012 đến 31-3-2013), quá trình lao động ông Mới thường xuyên không hoàn thành công việc được giao, thụ động... Do đó, hết thời hạn HĐLĐ (ngày 31-3-2013), Cty đã quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Mới. Cty QN-Eden khẳng định việc chấm dứt HĐLĐ là đúng theo thỏa thuận đã được giao kết ngày 14-11-2012. Vì vậy, Cty không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mới về các khoản yêu cầu như trên.

Trong vụ việc này, vấn đề mà ông Mới và Cty cùng đưa ra tranh cãi đó là sự xuất hiện của 2 bản HĐLĐ. Ông Mới căn cứ vào HĐLĐ số 01 ngày 14-11-2012 với thời hạn hợp đồng là 12 tháng. Cty cung cấp HĐLĐ không số ngày 14-11-2012 với thời hạn là 4 tháng 17 ngày. Quá trình giải quyết vụ án, do các bên không thống nhất về thời hạn lao động ghi nhận tại các hợp đồng nên yêu cầu giám định các HĐLĐ nói trên. Kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát) kết luận: HĐLĐ số 01/VP/HĐLĐ ngày 14-11-2012 do ông Mới cung cấp mặc dù phần hình dấu giáp lai trên trang 1/3 không bị giả mạo nhưng đã bị thay trang 1/3. HĐLĐ không số ngày 14-11-2012 do Cty QN-Eden cung cấp đã bị thay các trang 1/3 và 2/3. Về nội dung này, ông Mới cho rằng Cty đã cố tình thay đổi các trang trong hợp đồng và ông khẳng định HĐLĐ số 01 là chính xác. Để lý giải cho ý kiến của mình, ông Mới đưa ra tài liệu đó là bản thanh lý hợp đồng do giám đốc Cty ký, ghi rõ "Thanh lý HĐLĐ theo Hợp đồng số 01/VP/HĐLĐ ngày 14-11-2012".

Vụ việc trên cũng đã được TAND TP Đà Nẵng xét xử theo trình tự phúc thẩm và xét thấy trang 1/3 của hợp đồng do ông Mới cung cấp và trang 1/3 của hợp đồng do Cty cung cấp đều chứa đựng thời gian lao động mà các bên tranh chấp nhưng cả 2 hợp đồng này đã bị thay đổi trang 1/3, do đó HĐXX không thể căn cứ vào hai hợp đồng này để xác định thời gian lao động ký kết giữa ông Mới với Cty là 12 tháng hay hơn 4 tháng như lời khai của các bên. Ngoài hai hợp đồng nói trên, không còn tài liệu, chứng cứ nào xác định thời gian lao động giữa ông Mới với Cty như lời khai của mỗi bên. Từ nhận định trên, cấp phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Mới.

Ông Mới cho rằng phán quyết của Tòa ở cấp phúc thẩm cũng đã bỏ qua những nội dung quan trọng. "Rõ ràng cả hai hợp đồng đều đã bị thay đổi trang. Trong khi đó hợp đồng của tôi là do Cty đưa 1 bản làm sao tôi đi thay được các trang ở hợp đồng không số của Cty. Và, nếu Cty vẫn khẳng định hợp đồng không số do Cty cung cấp là đúng tại sao khi đi thanh lý hợp đồng với tôi Cty lại căn cứ theo hợp đồng số 01? Câu hỏi này của tôi vẫn chưa được cấp phúc thẩm làm rõ...", ông Mới bức xúc nói.

Có thể thấy rằng, mấu chốt của vụ việc thể hiện ở HĐLĐ ký kết giữa hai bên, tuy nhiên trên thực tế có 2 hợp đồng được cung cấp cho TA đều đã có sự thay đổi một số trang. Sự thay đổi này đã khiến cho thời gian thể hiện trong hợp đồng khác nhau và đó cũng là lý do ông Mới cho rằng mình đang bị xử ép làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi. Vậy, ai là người thay đổi các trang trong hợp đồng và thay đổi nhằm mục đích gì? Câu hỏi này đến nay, qua 2 cấp xét xử nhưng vẫn chưa có một câu trả lời nào thỏa đáng...

Trang Trần

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_156400_khua-t-ta-t-trong-2-ba-n-ho-p-do-ng-lao-do-ng-giu-.aspx