Khu vực nông thôn là thị trường tiềm năng cho mùa Tết

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2017, thị trường nông thôn tiếp tục là thị trường giàu tiềm năng vì chiếm tới hơn 65% dân số, sức mua lớn.

Các DN cần có chiến lược kinh doanh dài hạn để chiếm lĩnh thị trường nông thôn. Nguồn: internet

Sức tiêu thụ tốt

Ông Phú đánh giá, thực tế cho thấy một số phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ghi nhận sức mua tốt và bán được hàng vì điều tra đúng nhu cầu tiêu dùng và bán sản phẩm với giá cả hợp lý. Người dân ở nông thôn vẫn thích hàng Việt và đa phần là các mặt hàng thông dụng như muối, mắm, mì chính, quần áo trẻ em, sách vở…

Ghi nhận tại một sạp bán tạp hóa tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho thấy, hàng Việt chiếm đa số trên các kệ hàng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: bột giặt, xà phòng, nước rửa bát… của các thương hiệu nội địa nổi tiếng. Chị Nguyễn Thị Xa - chủ cửa hàng cho biết: “Hàng hóa được tôi đặt mua từ các đại lý trên thị xã và theo lịch là có người chở hàng xuống tận nơi. Hàng trong nước có chất lượng tốt mà giá cả lại hợp lý nên người dân vẫn quen dùng từ trước tới giờ”.

Thực tế cho thấy đã có nhiều DN thành công trong việc xây dựng hệ thống phân phối tại địa phương. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Thanh Hải – đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết: “Hiện May 10 đã xây dựng được chuỗi cửa hàng ở các vùng nông thôn để giới thiệu các mặt hàng dệt may, phát triển thương hiệu trên địa bàn cả nước. Cụ thể: hiện nay đã có 2 cửa hàng ở Quảng Bình, 1 cửa hàng tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), 1 cửa hàng ở Quảng Xương (Thanh Hóa), 2 cửa hàng tại Hưng Hà, Đông Hưng (Thái Bình)… Chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo như ở thành phố nhưng giá cả phù hợp với vùng nông thôn hơn để phục vụ đối tượng khách hàng có thu nhập thấp”.

Cần chiếm lĩnh thị trường

Tuy nhiên, ông Phú đánh giá, những chuyến hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ. NTD muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào trong khi hàng giả, hàng dởm vẫn tràn lan. Ông Phú cho rằng, việc tổ chức 20 hay 40 phiên cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu DN không biết cách tổ chức, xây dựng hệ thống phân phối tại vùng nông thôn. Hiện nay các phiên chợ đang được tổ chức như một loại hình hội chợ và còn thiếu chiều sâu. Trong khi đó, các DN ngoại đang nhăm nhe bám rễ vào thị trường nông thôn đang bỏ trống.

Để hoạt động đưa hàng Việt về các vùng nông thôn trở nên thực chất, ông Phú cho rằng: “Các DN phải điều tra nhu cầu tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như nước mắm, bột canh, mì chính... Bên cạnh đó, các DN phân phối cần có sự phân công phối hợp, bày bán các mặt hàng thế mạnh khác nhau thay vì một mặt hàng mà tất cả các đơn vị đều cung cấp. Quan trọng nhất là cái tâm làm thương mại, đưa hàng về nông thôn đừng nghĩ quan trọng nhất lợi nhuận” – ông Phú khẳng định.

Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) dự báo, trong thời gian tới, vấn nạn hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, từ nay đến Tết Nguyên đán, các lực lượng cần mở đợt tổng lực truy quét, đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục vào các “ổ” hàng giả, hàng nhái; toàn dân chung tay với các lực lượng để xây dựng môi trường sống, môi trường kinh doanh Việt Nam lành mạnh, văn minh hơn.

K.L

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/khu-vuc-nong-thon-la-thi-truong-tiem-nang-cho-mua-tet-616466.bld