Khu tái định cư Thanh Chương, tỉnh Nghệ An: Dân ồ ạt phá rừng làm rẫy

Năm 2004, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, hàng nghìn hộ dân được bố trí tái định cư ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ban quản lí dự án tuyên truyền rằng, về dưới ấy sẽ thuận lợi nhiều bề, ruộng đất làm không hết, nhà cửa, nước sạch đầy đủ… Thực tế 7 năm qua, đất canh tác cho người dân tái định cư quá ít. Vậy là vì kế mưu sinh, họ lại phải vào rừng chặt cây làm rẫy, khiến rừng đầu nguồn ở Thanh Chương "chảy máu" thê thảm…

Tìm hiểu nạn chặt phá rừng ở khu tái định cư hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, chúng tôi được tiếp chuyện ông Ngân Văn Tuyến, Trưởng bản Xiềng Lầm, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An, một gia đình có tiếng hiểu biết và luôn chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Nhà nước. Với giọng chán nản, ông Tuyến không giấu diếm: "Không những dân, mà ngay cả những gia đình cán bộ và gia đình tôi cũng phải vào rừng chặt cây, lấy đất làm rẫy, vì không được bố trí đủ đất canh tác". Tìm hiểu thêm, nhiều Bà con ở đây cho chúng tôi biết: "Nếu không phá rừng làm rẫy trồng lúa, trồng ngô… thì chết đói thôi cán bộ ạ! Vì Nhà nước chẳng cấp đủ gạo ăn, nên dù biết phá rừng là vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi không làm thế thì chết đói…". Hiện bản Xiềng Lầm có 20 hộ dân, thì tất cả đều thiếu đất sản xuất, phải vào rừng chặt cây làm rẫy. Không riêng bản Xiềng Lầm, cả xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn đều như vậy, gây nên trào lưu phá rừng rất phổ biến, hậu quả thật khôn lường.

Ông Ngân Văn Tuyến chỉ nơi rừng bị phá, đốt làm rẫy.

Để xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương đã tiếp nhận 2.121 hộ dân về tái định cư ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Chỉ tính riêng xã Ngọc Lâm có 1.341 hộ về đây với hi vọng cuộc sống khá hơn so với khi ở Bản Vẽ, vì Ban quản lí dự án hứa là: Về dưới này ngoài nhà cửa khang trang, mỗi nhân khẩu còn được cấp từ 1 đến 1,5 ha đất sản xuất, bao gồm ruộng nước, đầm lầy và đất đồi. Nhưng khi về đây, thì mỗi nhân khẩu chỉ được cấp 5 sào cả đất đồi và đầm lầy. Vì thiếu đất sản xuất, người dân bảo nhau vào rừng chặt phá cây, lấy đất làm rẫy. Đất canh tác không đủ làm ăn, là nguyên nhân để bà con các dân tộc phải phá rừng. Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Ban quản lí rừng phòng hộ huyện Thanh Chương phàn nàn: "Họ chặt phá rừng thường xuyên, chúng tôi bắt, xử phạt nhiều nhưng rồi cũng phải thả, vì họ không có tiền nộp phạt. Nhưng căn bản là dân không đủ đất sản xuất, trong khi lại ở ngay sát rừng, thì ai dám bảo đảm là họ không phá rừng? Để giảm thiểu tệ nạn phá rừng, đề nghị Nhà nước có biện pháp thu hồi diện tích rừng, giao cho địa phương và từng hộ gia đình dân tộc ở đây nhận trông coi, bảo vệ thì mới bảo đảm rừng không bị phá".

Đã 7 năm, kể từ ngày những hộ dân đầu tiên ở Bản Vẽ về Thanh Chương tái định cư, cuộc sống người dân vẫn quá vất vả, vì kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và xuống cấp nghiêm trọng. Những cánh rừng ở Thanh Chương trước đây bạt ngàn cây, nay trở nên tiêu điều, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Các cấp chính quyền và cơ quan hữu trách ở tỉnh Nghệ An sớm giải quyết, để trả lại màu xanh cho rừng đầu nguồn Thanh Chương.

Đào Phương

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=6835&lang=vn&zone=10&zoneparent=0