Khu Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng: Mới vận hành đã xuống cấp

Mới vận hành 8 tháng, nhưng công trình Khu Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều hư hỏng.

Khu Hồi sức cấp cứu xuất hiện nhiều hư hỏng, bất cập sau 8 tháng hoạt động

Bất ổn hàng loạt

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ ra hàng loạt bất ổn, hư hỏng của gói thầu xây lắp công trình Khu Hồi sức cấp cứu. Bà Yến cho biết, gói thầu này do Công ty TNHH Xây dựng - thương mại và dịch vụ Trí Dũng thực hiện trong thời gian gần 300 ngày, tổng giá trị hơn 38 tỉ đồng. Đến ngày 12.4.2016, công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cụ thể, theo bà Yến, công trình hành lang nối được thi công từ ngày 19.9.2016 nhưng chậm hoàn thành gây ảnh hưởng lớn đến công tác vận chuyển bệnh nhân và việc đi lại của nhân viên, người nhà bệnh nhân. Nền epoxy 7/7 phòng mổ đều bị bong tróc từ khi mới bắt đầu hoạt động. Sau đó, đơn vị thi công đã xử lý 3/7 phòng nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Đáng chú ý, vào cuối năm 2016, UBND Q.Hải Châu kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại khu nhà đã chỉ ra một loạt tồn tại như: bơm chữa cháy không hoạt động, bơm chữa cháy dự phòng không có ống hút khói, không đảm bảo điều kiện an toàn, hệ thống báo cháy tự động có hiện tượng báo giả gây lo ngại cho người bệnh… Khối nhà chính bị thấm dột, ẩm mốc nhiều nơi như: phòng bệnh 521, 520, phòng họp giao ban, khu điều trị quốc tế, sảnh tầng mái... Hệ thống cửa nhiều phòng bị gãy tay nắm, hỏng khóa; hệ thống xử lý nước RO hoạt động bất ổn...

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP.Đà Nẵng) cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của Sở Y tế, Ban Đô thị đã tổ chức giám sát, kiểm tra thực tế và tiếp tục phát hiện thêm nhiều bất cập của công trình này. Ông Hùng cho hay công tác quản lý của bệnh viện chưa đảm bảo nên để xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân lên sinh hoạt trên tầng mái gây tắc ống nước dẫn đến thấm trần tầng 5. Toàn bộ phần mái có diện tích lên đến 1.200m 2 nhưng chỉ bố trí 6 ống thoát nước nên không đảm bảo thu và thoát nước trong điều kiện mưa lớn. Thiết kế tầng hầm có những sai sót như: hệ thống máy bơm không có đường thoát khí, tầng ngầm chỉ bố trí 2 hố ga và 2 máy bơm là không đủ. BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã thiếu sâu sát trong theo dõi và giám sát công trình này.

Cần thiết phải giám sát

Theo ông Tô Văn Hùng, những sai sót và bất cập của Khu Hồi sức cấp cứu không ảnh hưởng đến chất lượng công trình và “không quá nghiêm trọng”. “Tuy nhiên với trách nhiệm của Ban, chúng tôi phải làm rõ trách nhiệm của các bên để rút kinh nghiệm trong điều hành dự án có sử dụng vốn từ ngân sách để xây dựng”, ông Hùng nói và cho biết trong sự việc này có trách nhiệm của đơn vị quản lý, sử dụng tòa nhà, trách nhiệm của tư vấn thiết kế và kể cả BQL dự án. Ông Hùng cho rằng, việc người nhà bệnh nhân sinh hoạt trên tầng mái gây tắc nước có thể không nghiêm trọng gì nhưng về lâu dài sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố. Để xảy ra tình trạng này, rõ ràng đơn vị quản lý tòa nhà phải có trách nhiệm. Hay hệ thống thoát nước không có ống tràn tự do và số lượng ống thu nước ít so với diện tích mái là có trách nhiệm của tư vấn thiết kế. “Có thể là tiểu tiết nhưng cần thiết phải giám sát để cơ quan quản lý sử dụng vốn hiệu quả hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Sau khi có kết quả kiểm tra, ngày 20.1, thường trực HĐND TP.Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo kiểm tra, khắc phục những bất cập của công trình. HĐND TP cũng yêu cầu rà soát, làm rõ trách nhiệm của tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và vai trò giám sát của BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng. Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Vào chiều 14.2, Sở Xây dựng đã chủ trì cuộc họp với các bên liên quan để xử lý vụ việc. Theo đó, các bên đã thống nhất xử lý dứt điểm những tồn tại của công trình trong tháng 2. Về trách nhiệm, đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị điều hành dự án và nhà thầu phải rà soát những sai sót, xác nhận nguyên nhân và tự nhận trách nhiệm của đơn vị mình.

Hàng loạt đơn vị bị xử phạt

Dự án Trung tâm Văn hóa xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) do Sở VH-TT Đà Nẵng điều hành được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 1.200m 2 , kinh phí gần 5 tỉ đồng. Từ khi bàn giao vào tháng 3.2016, công trình đã bị sụt lún gây nứt gãy nhiều kết công trình. Hiện công trình đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập.

Ông Trần Văn Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay sau khi có kết quả giám định xác định công trình đã vi phạm quy định về quản lý chất lượng ở khâu khảo sát, thiết kế, giám sát và thi công. Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo giải trình và kiểm điểm trách nhiệm.

Theo đó, nhà thầu tư vấn khảo sát xây dựng và thí nghiệm công trình Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Toàn Chính đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng; nhà thầu tư vấn thiết kế công trình Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Gia Viên bị phạt 15 triệu, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 6 tháng đối với chủ trì thiết kế kết cấu công trình là ông Văn Thái Vũ. Đối với nhà thầu thi công Công ty TNHH Xây dựng Mai Phương Minh phạt 42,5 triệu đồng do hồ sơ không đầy đủ, thi công không đúng thiết kế...

Sở Xây dựng kiến nghị TP không cho công ty này tham gia xây dựng đối với các công trình đầu tư từ vốn ngân sách trong vòng 1 năm. “Về chi phí khắc phục, sửa chữa công trình, các bên liên quan phải bỏ kinh phí. Đối với trách nhiệm của đơn vị điều hành dự án là Sở VH-TT TP, hiện Thành ủy, UBND TP đã giao cho Thanh tra TP tiến hành thanh tra toàn bộ chất lượng công trình để xử lý các cá nhân liên quan”, ông Dũng nói.

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/khu-hoi-suc-cap-cuu-benh-vien-da-nang-moi-van-hanh-da-xuong-cap-793522.html