Ném chó từ tầng 24 xuống đất: Tại sao có người lại tàn bạo với vật nuôi như vậy?

Nhiều vật nuôi đang bị bạo hành và đối xử tàn nhẫn bởi những 'lỗ hổng' trong quy định của pháp luật về việc bảo vệ vật nuôi.

Mới đây, một người Nga ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến cảnh con chó bị ném từ tầng 24 của khách sạn xuống đất. Ngay sau khi thông tin được người này đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành động dã man trên.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ động vật, Bùi Trần Vĩnh Trí, nhóm trưởng nhóm Cứu trợ động vật Đà Nẵng mạnh mẽ lên án hành động dã man này. Chia sẻ với phóng viên, Trí cho biết, trong quá trình làm việc của mình, Trí cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp con người có những hành xử không đẹp với vật nuôi. Thậm chí những hành động đánh đập, giết thịt vật nuôi được diễn ra ngay trước mắt trẻ em. Điều đó tạo ra ám ảnh đối với trẻ và vô hình chung đã tạo cho trẻ suy nghĩ “con vật là sinh vật cấp thấp nên có thể đối xử tệ” khi đứa trẻ lớn lên.

Vấn đề đối xử tàn ác đối với động vật nói chung và vật nuôi nói riêng không chỉ có ở Việt Nam, mà còn đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia khác, điều này có thể ít phổ biến hơn, vì có các quy định luật với chế tài xử phạt nghiêm khắc. Ngoài ra, các bài giảng đạo đức, xây dựng và phát triển lòng vị tha, các bài giảng về phúc lợi động vật cũng được tích hợp trong chương trình giảng dạy tại các nhà trường. Các vườn thú, công viên động vật hoang dã có các chương trình giáo dục cộng đồng, giới thiệu cho khách về các loài động vật họ chăm sóc nhằm xây dựng tình yêu động vật, khơi gợi sự cảm thông và tôn trọng đối với động vật. Trong khi, những hoạt động này vẫn còn rất hạn chế ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tam Thanh - Cán bộ phúc lợi Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, hiện tại Việt Nam chỉ có các luật bảo vệ động vật hoang dã (như Nghị định 32/2006/ND-CP, Nghị định 160/2013/ND-CP, Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT, Quyết định 82/2008/QĐ-BNN) mà chưa có quy định, luật bảo vệ các loài động vật nói chung, và vật nuôi nói riêng nhằm ngăn chặn việc những loài động vật bị làm tổn thương, bị ngược đãi. Trong Luật Thú Y 2016 có Điều 21 quy định về “Đối xử nhân đạo đối với động vật” nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện (ví dụ: đối xử nhân đạo thông qua các biện pháp nào, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát…), quy định, và chế tài xử phạt.

Ông Thanh cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành Luật phúc lợi động vật để không chỉ vật nuôi mà các loài động vật khác nói chung (như gia súc, gia cầm, động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt…) đều đảm bảo được chăm sóc, đối xử nhân đạo, tránh việc chúng phải chịu đựng không cần thiết.

Cũng theo ông Thanh, Việt Nam có thể tham khảo từ các Đạo luật Phúc lợi động vật của Anh (Animal Welfare Act 2006), hay Đạo luật Phúc lợi động vật của New Zealand (Animal Welfare Act 1999) trong đó có quy định rõ ràng về trách nhiệm chăm sóc động vật của những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm, những quy định thủ tục đánh giá đạo đức đối với động vật phục vụ nghiên cứu khoa học, thí nghiệm trên động vật, và những hành vi bị ngăn cấm đối với các loài động vật.

Thiên Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nem-cho-tu-tang-24-xuong-dat-tai-sao-co-nguoi-lai-tan-bao-voi-vat-nuoi-nhu-vay-614133.ldo