Không xét đặc xá đối với người mang thai nhiều lần để trốn chấp hành án

Quán triệt các quy định về xét đặc xá năm 2016 tại Hội nghị trực tuyến của ngành Tòa án hôm qua (3/11), Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn lưu ý, nữ giới mang thai nhiều lần để trốn tránh việc chấp hành án phạt tù sẽ không thuộc đối tượng xét đặc xá.

Người chấp hành án phạt tù thực hiện nghĩa vụ dân sự theo bản án.

Người chấp hành án phạt tù thực hiện nghĩa vụ dân sự theo bản án.

Những đối tượng đặc biệt được xét đặc xá

Tại Hội nghị trực tuyến nhằm triển khai công tác đặc xá năm 2016 trong Hệ thống TAND được tổ chức vào hôm qua (3/11). Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá (HĐTVĐX) năm 2016 cho biết, để thực hiện đúng và thống nhất khoản 2 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016 và Hướng dẫn số 325/HĐTVĐX ngày 25/10/2016 của HĐTVĐX, TANDTC đã có công văn hướng dẫn về đối tượng, điều kiện, trình tự thủ tục tiến hành xét, đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (CHAPT).

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nhấn mạnh, việc xác định người đang được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT phải căn cứ theo Quyết định vẫn đang có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền và phải thuộc 1 trong 8 trường hợp nêu trong công văn hướng dẫn thì mới được xét đặc xá theo diện “đặc biệt”. Cụ thể: Đã lập công lớn trong thời gian đang được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT; là thương binh, bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH. Người có một trong các thân nhân là liệt sỹ; Người chưa thành niên khi phạm tội; Người từ 70 tuổi trở lên; Người đang bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo; Là người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được; Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình; Người bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý là nữ giới mà đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù lần đầu vì lý do đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (tính đến ngày 30/11/2016)…

Lý giải về việc chỉ xét đặc xá đối với trường hợp phụ nữ đang được hoãn, tạm đình CHAPT lần đầu vì lý do đang mang thai như trên, ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh, nếu mang thai nhiều lần để được hoãn chấp hành án hết lần này đến lần khác thì có thể coi đây là việc cố ý trốn tránh chấp hành án.

Không xét đặc xá người đang có kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm

Ngoài 8 đối tượng nêu trên được xét đặc xá thì TAND Tối cao cũng quy định về 15 loại đối tượng đang được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT không được đề nghị đặc xá.

Cụ thể là: Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ hai tiền án trở lên (mà chưa được xóa án tích); Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia; Bị kết án phạt tù về một trong các tội: Khủng bố; phá hoại hòa bình; chống loài người; tội phạm chiến tranh; chống người thi hành công vụ có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng; Bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý; Bị kết án phạt tù thuộc một trong các trường hợp: Giết người có tổ chức; Giết người có tính chất côn đồ; Cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ... Hiếp dâm có tính chất loạn luân; Hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân; Cướp tài sản có sử dụng vũ khí; cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp giật tài sản có tổ chức… Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc người dùng thủ đoạn xảo quyệt, người ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức… Có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy…

Để xác định chính xác các đối tượng được đặc xá theo quy định trên hay không, Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho rằng, TAND có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ, xét duyệt, đề nghị đặc xá phải xem xét nội dụng bản án đã kết tội trước đó hoặc các tài liệu trong hồ sơ của người bị kết án nhằm xác định có hay không các tình tiết liên quan đến điều kiện được đặc xá

Ông Nguyễn Sơn cũng lưu ý TAND các địa phương cần chủ động phối hợp với VKSND và cơ quan thi hành án dân sự để nắm chắc những đối tượng đang có kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm cũng như việc chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, tiền bồi thường thiệt hại, tiền án phí… đảm bảo những trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá 2016 phải được lập hồ sơ đề nghị xét đặc xá theo quy định.

H.Tuấn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/khong-xet-dac-xa-doi-voi-nguoi-mang-thai-nhieu-lan-de-tron-chap-hanh-an-303372.html