Không vì hoàn cảnh mà gục ngã

'Không có ba mẹ bên cạnh, mình càng phải cố gắng nhiều hơn để có thể thay đổi số phận của mình', đó là tâm niệm bao năm nay của Lê Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 12 Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM.

Cô học trò nghị lực Lê Thị Cẩm Tiên - Ảnh: Như Lịch

“Không oán trách...”

Cha bỏ đi biệt tăm khi Tiên còn nằm trong bụng mẹ, mẹ sau đó cũng ra đi theo tiếng gọi con tim, để lại Tiên và người anh trai cùng mẹ khác cha cho ông bà ngoại (ở ấp 1, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè).

Tiên nghẹn ngào nhớ lại: “Mẹ hứa mua kẹo cho em, nhưng em chờ hoài mà không thấy. Rồi mẹ xách giỏ đồ ra đi vào đúng hôm 28 tết, mặc cho em khóc lóc níu kéo...”.

“Mấy lần tan học trễ, thấy bạn bè được cha mẹ rước, còn em lủi thủi một mình, em buồn và tủi thân lắm! Trước đây, em hay ngủ mơ thấy có cha lẫn mẹ đến đón, khi tỉnh dậy lại khóc vì biết điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”, Cẩm Tiên tâm sự.

Không có cha mẹ bảo ban chăm sóc, cô học trò này đã âm thầm chống lại những cám dỗ trong cuộc sống. Tiên kể có một số bạn trong và ngoài trường thỉnh thoảng rủ rê mình hút thuốc lá, nhưng Tiên luôn từ chối.

Mặc dù toàn là những kỷ niệm cay đắng, song Cẩm Tiên chia sẻ: “Em không oán trách cha mẹ mà nghĩ là cha mẹ chắc có lý do khó nói gì đó khi bỏ rơi em. Dù sao so với những trẻ sống trong trại mồ côi, em cũng đỡ bất hạnh hơn vì vẫn còn có một số người thân bên cạnh như ông bà ngoại và anh hai”, Cẩm Tiên bộc bạch.

Hiện nay, bà ngoại của Tiên (bà Nguyễn Thị Tố) đã 79 tuổi và ông ngoại (Lê Văn Nô) 80 tuổi. Bà Tố cho biết vợ chồng bà sống dựa vào tiền hỗ trợ của con cái, với đa phần là công nhân lập nghiệp ở xa. Chắt chiu từ khoản trợ cấp đó, ông bà san sẻ nuôi Cẩm Tiên.

Đang nằm trên giường bệnh, bà Tố nói: “Mấy năm nay tui đau ốm liên miên với các chứng bệnh về tim, tiểu đường, cao huyết áp, thấp khớp... Vợ chồng tui còn sống thì còn phụ lo cho cháu Tiên chứ nếu chết đi rồi, anh em nó thành mồ côi”.

Tiên khoe rằng thời gian gần đây, anh trai cùng mẹ khác cha với Tiên đã xin vào làm ở một công ty sản xuất sơn nước. Từ thu nhập ít ỏi (3 triệu đồng/tháng), anh trích ra khoản nho nhỏ để phụ giúp Tiên đóng tiền trường.

Khát khao đi học

Nhắc đến việc học của cháu gái, gương mặt bà Nguyễn Thị Tố tươi lên: “Tiên siêng học lắm. Lâu nay, nó chưa từng bỏ học buổi nào. Ở nhà này con cái tụi tui hầu hết học lớp thấp, lại ở xa nên không có ai kèm cặp cho Tiên. Mọi thứ đều nhờ sự tự học của nó”.

Suốt nhiều năm liền Cẩm Tiên là học sinh giỏi, riêng điểm trung bình năm lớp 12 là 8,6. Cẩm Tiên dự định đăng ký học ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Tiên mong muốn sau này sẽ xin về làm việc trong những khu công nghiệp ở địa phương.

Khi được hỏi sao không đi làm trước rồi dành dụm tiền đi học sau, cô gái này nói: “Chỉ có học mới thay đổi số phận, mang lại cho em tương lai tươi sáng hơn. Nếu vào được đại học, em sẽ vừa đi làm thêm vừa đi học”.

Trong những tháng hè lớp 10 và lớp 11, Cẩm Tiên đã xin vào làm công nhân chế biến hải sản. Tiên cho biết ngay sau kỳ thi THPT sẽ tiếp tục đi làm công việc trên.

Nữ sinh này nhìn nhận đôi lúc học hành căng thẳng và mệt mỏi quá, Tiên chỉ muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, nghĩ đến công sức của ông bà ngoại đã cưu mang mình đến ngày hôm nay, Tiên đã tự vực mình đứng dậy.

Được biết, trong những năm qua, Cẩm Tiên tham gia một số hoạt động tình nguyện như chiến dịch Hoa phượng đỏ, đến thăm và tự mua quà tặng những trẻ mồ côi... Bên cạnh niềm mong mỏi ông bà ngoại sống lâu để có dịp báo đáp, Cẩm Tiên còn ao ước sau này dành dụm được nhiều tiền để làm từ thiện, giúp lại những người kém may mắn.

“Lúc sinh ra, mình không thể chọn được hoàn cảnh và gia đình để sống. Cho nên, phải biết luôn phấn đấu vượt lên, đừng vì hoàn cảnh không may của mình mà gục ngã”. Đó là lời nhắn nhủ của Cẩm Tiên với chính bản thân và với những người đồng cảnh ngộ.

Như Lịch - Như Lịch

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/khong-vi-hoan-canh-ma-guc-nga-846990.html