Không trồng cao su, vẫn được bồi thường tiền tỷ (?)

Ông Trần Đức Lý (thường trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) ký hợp đồng liên doanh trồng 46,8 ha cao su với ông Trần Tấn Minh. Diện tích đất trên thuộc dự án “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su” của Cty dịch vụ Sasco. Sau gần 4 năm, ông Minh “lật kèo” bảo Cty Sasco đòi lại đất và hứa Sasco sẽ bồi thường tiền đầu tư trồng cao su cho ông Lý… Tuy nhiên, khi Sasco bồi thường, ông Lý bật ngửa vì người được bồi thường không phải ông Lý, mà cá nhân khác đứng ra nhận hàng tỷ đồng tiền bồi thường trên đất ông Lý trồng cao su.

Ông Trần Đức Lý chỉ vào khu đất rừng trước đây ông Trần Tấn Minh đã ký hợp đồng liên doanh với ông Lý và ông Lý đã trồng cao su từ năm 2010.

Người trồng cao su tay trắng, người tay không… nhận tiền tỷ (?!)

Vào năm 2009, ông Trần Tấn Minh – GĐ Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung – đứng ra nhận trách nhiệm đầu tư trồng cao su trên diện tích hơn 230 ha đất rừng “nghèo kiệt”, thuộc dự án Sasco. Giữa ông Minh và Sasco ký hợp đồng phân chia tỷ lệ thụ hưởng vườn cao su sau thời gian kiến thiết cơ bản (5 năm) như sau: Ông Minh 40% và Sasco 60% (dự án 105 ha); ông Minh 48,1% và Sasco 51,9% (dự án 128,8 ha). Trên thực tế, sau khi nhận đất từ Sasco, ngay lập tức, ông Minh đã chia năm xẻ bảy 230 ha đất trên ra làm nhiều lô. Kế đó, ông Minh ký hợp đồng trồng cao su lại với nhiều cá nhân… Các cá nhân phải đóng tiền cho ông Minh từ 40 – 80 triệu đồng/ha. Trong đó, có ông Trần Đức Lý, vào năm năm 2010, ông Lý ký hợp đồng “liên doanh trồng cây cao su dài ngày” và phải nộp cho ông Minh nhiều đợt, với tổng số tiền 970 triệu đồng, để được trồng cao su trên 46,8 ha đất rừng. Theo hợp đồng, sau 5 năm tự bỏ vốn ra trồng cao su, ông Lý được hưởng 50% diện tích vườn cao su. Tuy nhiên, mới sang năm thứ 2, ông Minh đã bất ngờ thông báo Cty Sasco “thanh lý hợp đồng liên doanh” với ông Minh, nên ông Minh yêu cầu ông Lý trả lại đất… Sasco sẽ bồi thường tiền trồng cao su cho ông Lý.v.v… Tiếc đứt ruột hàng chục héc-ta cao su đang lên xanh tốt, nhưng ông Lý đành chấp nhận phương án trả đất, nhận tiền bồi thường của Sasco.
Thế nhưng, việc kiểm tra, thẩm định vườn cao su để bồi thường từ phía Sasco lại vô cùng… trễ nãi. Thay vì Sasco và ông Minh đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện thủ tục bồi thường cho ông Lý và các hộ dân khác – trước đây trót ký hợp đồng trồng cao su với ông Minh. Đằng này, Sasco lại ký tiếp một hợp đồng khác với Cty TNHH MTV Phát Lộc (Bình Phước). Theo đó, Sasco ủy quyền cho Phát Lộc đứng ra thay Sasco đàm phán với ông Lý và các hộ dân về việc bồi thường tiền đầu tư trồng cao su trên đất dự án của Sasco. Rắc rối bắt đầu từ đây. Tháng 9.2014, Cty Phát Lộc cử người xuống lập hồ sơ bồi thường 30 ha cao su cho ông Lý. Theo đơn phản ánh của ông Lý gửi cơ quan luật pháp: Quá trình lập hồ sơ bồi thường, cán bộ Cty Phát Lộc và Sasco đã “tư vấn” ông Lý như sau: Nếu thanh lý hợp đồng, ông Lý chỉ được đền bù 124,5 triệu đồng/ha; còn làm hồ sơ theo diện đất xâm canh, có đơn xin trả đất cho Sasco, thì ông Lý sẽ được đền bù giá cao hơn khoảng 145,9 triệu đồng/ha. Nghe bùi tai, ông Lý làm đơn xin trả lại 35,8 ha đất đã trồng cao su để nhận tiền bồi thường 145,9 triệu đồng/ha từ Sasco. Cty Phát Lộc nhận hồ sơ từ ông Lý để chuyển cho Sasco chi trả tiền. Lạ lùng thay, suốt thời gian dài sau đó, ông Lý vẫn không nhận được đồng bạc nào từ Sasco. Ông Lý thắc mắc, hỏi Cty Phát Lộc, Cty này ậm ừ… không biết và không chịu trách nhiệm (?).v.v…
Bất ngờ, ngày 25.3.2015, tại văn bản Sasco gửi UBND tỉnh Bình Phước báo cáo xung quanh việc khắc phục vi phạm tại dự án “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” do Sasco làm chủ đầu tư, ông Lý phát hiện một sự thật: Lẽ ra ông Lý phải có tên trong danh sách được Sasco bồi thường, thì trái lại, không hề có tên ông Lý; thay vào đó, ông Lý phát hiện có 2 người là Nguyễn Khánh Tùng và Nguyễn Thành Trung (đều là nhân viên Cty Phát Lộc), không trực tiếp trồng cao su, nhưng lại có tên trong danh sách được nhận tiền đền bù từ Sasco (?!). Nguyễn Khánh Tùng đứng tên 18,29 ha cao su nhận trên 2,2 tỷ đồng tiền đền bù. Và, Nguyễn Thành Trung đứng tên 13,7 ha cao su nhận trên 1,7 tỷ đồng…

Dự án bảo vệ và trồng rừng kết hợp chăn nuôi do Sasco làm chủ đầu tư.

Có khuất tất trong việc lập hồ sơ bồi thường cho người dân ?

Ông Trần Đức Lý cho biết: “Tôi đã thu thập được chứng cứ là tấm bản đồ (có đóng dấu và chữ ký của lãnh đạo 2 Cty Sasco và Phát Lộc) trong hồ sơ bồi thường. Họ đã lấy đất vườn cao su của tôi (13,7 ha) cho Nguyễn Thành Trung đứng tên. Còn 18,29 ha đất cao su do Nguyễn Khánh Tùng đứng tên, nhưng thực chất không có cao su, chỉ là rừng và khe suối, đầy dây leo, bụi rậm… Trên thực tế, 2 ông Tùng – Trung không hề trồng, chẳng có vườn cao su. Họ chỉ là nhân viên Cty Phát Lộc, xuất hiện từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, với nhiệm vụ đi đo đạc, thống kê đất vườn cao su của các hộ dân để làm hồ sơ bồi thường thôi”. Thật vậy, hầu hết diện tích đất dự án Sasco đã được ông Minh giao khoán cho các hộ dân từ năm 2010. Vậy, ông Tùng và ông Trung – 2 nhân viên Cty Phát Lộc xuất hiện cuối năm 2013, thì lấy đâu ra thời gian, cũng như diện tích đất để trồng 32 ha cao su gần 4 năm tuổi ?
Ngoài ra, tại nhiều biên bản, tài liệu thương thảo giữa các hộ dân trồng cao su với Trần Tấn Minh về đơn giá bồi thường, không có tên 2 ông Tùng và Trung. Ông Lý đã gửi đơn tố cáo có dấu hiệu hành vi giả mạo hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường của dân lên Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Qua xác minh, Công an huyện Đồng Phú thừa nhận ông Nguyễn Khánh Tùng là nhân viên Cty Phát Lộc. Khoảng cuối năm 2013, giữa Tùng và Minh có thỏa thuận “thông qua lời nói” để cho Tùng “quản lý, đầu tư, trồng và chăm sóc cây cao su” trên diện tích 18,29 ha. Khi ký hợp đồng liên doanh, mặc dù thời điểm đó là cuối năm 2013, nhưng tại hợp đồng, lại thể hiện ký ngày 2.5.2010 – tức ký lùi lại trước đó hơn 3 năm. Khi ký, Minh không nói rõ cho Tùng biết diện tích đất này đã ký liên doanh với ông Lý từ ngày 10.4.2010 và ông Minh cũng không báo cho ông Lý biết việc Minh ký hợp đồng với Tùng trên đất đã ký trước đó với ông Lý.v.v… Từ đó, dẫn tới Sasco chỉ căn cứ hợp đồng ông Minh ký với ông Tùng và bồi thường trên 2,2 tỷ đồng cho ông Tùng mà không bồi thường cho ông Lý… Việc ông Minh và ông Tùng ký hợp đồng ghi lùi ngày tháng là hành vi gian dối có dấu hiệu giả mạo hồ sơ bồi thường. Xác nhận có những tình tiết bất thường trên, nhưng Công an huyện Đồng Phú lại kết luận “các bên thực hiện ngay thẳng không có việc gian dối”, nên bác bỏ tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông Trần Đức Lý đối với các cá nhân liên quan… (?).

Phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước ?

Thực tế tại dự án “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su” của Cty Sasco cho thấy: Ngày 4.3.2013, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi dự án, do Sasco đã vi phạm cam kết, không trực tiếp đầu tư mà chuyển dự án cho đối tác khác, dẫn tới hàng trăm héc-ta đất rừng bị chuyển nhượng trái phép… Sau đó, Sasco đã kiến nghị xin tiếp tục thực hiện dự án và UBND tỉnh Bình Phước đã chấp thuận, nhưng với điều kiện Sasco “phải khắc phục hết những tồn tại trước đây theo đúng mục đích ban đầu của dự án”. Ngày 11.10.2013, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn số 3282/UBND-KTN, chấp thuận cho Cty Sasco tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, vào cuối năm 2013, việc Trần Tấn Minh ký tiếp hợp đồng giao 18,29 ha đất rừng cho Nguyễn Khánh Tùng trồng cao su là có dấu hiệu vi phạm, phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, khi yêu cầu “phải khắc phục hết những tồn tại trước đây” tại dự án Sasco. Điều này cho thấy việc biện bạch để nhận trên 2,2 tỷ đồng của ông Tùng là không thuyết phục; trái lại, bộc lộ dấu hiệu vi phạm luật pháp, tuy nhiên, đáng tiếc cơ quan điều tra Công an huyện Đồng Phú lại bỏ qua dấu hiệu phạm tội này.
Nói như ông Trần Đức Lý: “Thật không thể hiểu nổi. Người thật sự đổ vốn, trực tiếp ký hợp đồng, trực tiếp đầu tư trồng cao su suốt thời gian dài, lại không được xem xét bồi thường. Trong khi đó, người “tay không bắt giặc”, chỉ là nhân viên làm thuê cho Cty Phát Lộc để thực hiện hồ sơ bồi thường cho dân, thì nghiễm nhiên nhận tiền đền bù tiền tỷ (?). Ai đã “phù phép” ra hồ sơ bồi thường cho ông Tùng và ông Minh? Cty Sasco, Cty Phát Lộc và các cá nhân liên quan hãy trả lời người dân, tại sao lại có sự tréo ngoe, phí lý như thế này, để gia đình tôi phải chịu thiệt đơn, thiệt kép?”.

Đông Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/doi-song-xa-hoi/khong-trong-cao-su-van-duoc-boi-thuong-tien-ty-612615.bld