Không trì hoãn ứng phó với biến đổi khí hậu

BĐKH gây nhiều áp lực đối với quá trình phát triển đất nước, chẳng hạn như gia tăng ô nhiễm môi trường, nghèo đói… có nguy cơ khó kiểm soát.

Nhiều diện tích lúa ở Cà Mau bị chết do hạn mặn

Chưa bao giờ “cuộc chiến” ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) lại trở nên nóng bỏng như hiện nay. Hàng loạt chương trình nghị sự lớn lần lượt diễn ra trên khắp thế giới, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay ủng hộ của toàn nhân loại. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia tích cực, nỗ lực triển khai các chương trình hành động ứng phó với BĐKH.

Điển hình, tại hội nghị chuyên đề về ứng phó với BĐKH diễn ra cách đây ít ngày do Việt Nam chủ trì, đại diện hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tới tham dự, nhiều chủ đề liên quan đến bình đẳng giới, sức khỏe, sự hỗ trợ của Quốc hội các nước… được đem ra “mổ xẻ”, chất vấn.

Trao đổi về những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua với các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện kế hoạch và các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch hành động của các bộ, ngành địa phương; lồng ghép các mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển ở mọi lĩnh vực; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước…

Đánh giá dưới góc độ của một chuyên gia, TS khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết đối với Việt Nam, không chỉ phần đất liền bị ảnh hưởng nặng bởi BĐKH mà các quần đảo, vùng đất thấp ven biển cũng đứng trước nguy cơ bị chìm dưới nước biển. BĐKH gây nhiều áp lực đối với quá trình phát triển đất nước, chẳng hạn như gia tăng ô nhiễm môi trường, nghèo đói… có nguy cơ khó kiểm soát.

Thống kê của các nhà khoa học cho thấy, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của nước ta tăng 0,5°C, mực nước biển có nơi dâng cao hơn 20cm, hiện tượng biển xâm thực có nơi vào sâu trong đất liền từ 40 - 60km; thiên tai, bão lũ gia tăng cường độ và tính cực đoan. Ngập triều tăng mạnh ở các thành phố lớn như TP Cần Thơ, TPHCM… Diện tích đất bị hoang hóa ngày càng tăng, một số nơi dần bị sa mạc hóa. Hơn 2 thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa đến từ thiên nhiên. Như vậy, thông qua các nghiên cứu, đánh giá để thấy sự tàn khốc của BĐKH đến nền kinh tế của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung như thế nào. Điều này cũng cho thấy trách nhiệm của mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, thông qua các hành động cụ thể, thiết thực nhất, như: tiết kiệm nước, trồng thêm cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái…

GIA HÂN

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/khong-tri-hoan-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-446142.html