Không thuyết phục

Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất và lập luận cho việc tăng hàng loạt thuế của mình chưa thuyết phục. Như một số loại thuế mới được sửa đổi tháng 4/2016, mới có hiệu lực từ 1/1/2017, giờ lại sửa đổi tiếp.

PGS.TS Ngô Trí Long

Bộ Tài chính phải nói rõ tại sao phải sửa đổi nhanh như vậy?

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nước ngọt có đường được Bộ Tài chính từng đưa ra năm 2014, nhưng chưa được thông qua, nay lại đưa ra. Trong khi cơ sở nói người Việt béo phì, tim mạch tăng do dùng đồ uống có đường nhiều cũng chưa có điều tra khảo sát…

Về lý lẽ phải tăng thuế do nợ công và bội chi tăng cao càng không thuyết phục. Việc thâm hụt ngân sách, bội chi không phải do giảm thuế, hay do người dân chi tiêu. Bội chi, nợ công tăng là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, đầu tư công không hiệu quả, đó là trách nhiệm của nhà nước. Giờ dùng thuế để bù đắp thì không ổn. Để giải quyết nợ công, bội chi phải giải quyết đồng bộ cả khâu chi ngân sách, không thể chỉ nghĩ tăng thu để bù chi.

Tất nhiên, chức năng chính của Bộ Tài chính là thu ngân sách, phần chi do bộ ngành khác quyết định. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng có chức năng giám sát chi, nên cần có tiếng nói để giảm chi tiêu ngân sách.

Với một số dòng thuế giảm (thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) nên phải tăng thuế khác để bù cũng chưa thuyết phục.

Như tăng thuế VAT là đánh thẳng vào hàng hóa tiêu dùng và người tiêu dùng cuối cùng, cả xã hội phải chịu. Với người thu nhập cao, thuế có tăng thêm 2% so với hiện nay (đề xuất tăng từ 10% lên 12%) cũng không vấn đề, nhưng với người nghèo, kiếm được 1 triệu đồng mất 120.000 đồng tiền thuế để tiêu số tiền đó là vấn đề lớn. Tăng thuế sẽ tạo áp lực lớn lên người nghèo.

Bộ Tài chính nói thuế VAT của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng những nước được dẫn ra theo hướng có lợi cho đề xuất của mình, trong khi nhiều nước khác thấp hơn không được dẫn, như: Myanmar 5%, Malaysia 6%, Singapore 7%, Thái Lan 7%, Canada 5%, Nhật 8%, Thụy Sĩ 8%...

Chưa kể, tỷ trọng thu VAT trong tổng thu ngân sách ở nước ta chiếm tới 27,5%, trong khi bình quân các nước châu Âu chỉ 21,3% (dù mức thu cao nhưng tỷ lệ trong tổng thu ngân sách thấp). Điều đó chứng minh thuế VAT Việt Nam không hề thấp.

Thuế là một bộ phận cấu thành giá bán, thuế tăng giá hàng hóa sẽ tăng, khiến người dân thắt chặt chi tiêu làm sức mua giảm. Sức mua giảm tác động ngược lên sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp không bán được hàng phải thu hẹp sản xuất phải cắt giảm công nhân và làm gia tăng thất nghiệp, ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô. Doanh nghiệp khó khăn ngược lại cũng khiến thu ngân sách từ khu vực này giảm…

Một thực tế, thất thu thuế vẫn lớn nhưng ngành thuế vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Như nhiều hộ kinh doanh không lên doanh nghiệp vì họ được hưởng thuế khoán với mức khoán thấp hơn nhiều so với doanh thu, và có thể bắt tay với cán bộ thuế để hạ mức khoán. Hay việc trốn thuế qua mua bán hóa đơn, chuyển giá vẫn chưa kiểm soát được.

Có lẽ việc chống thất thu để tăng thu khó, nên người ta nghĩ tới việc làm dễ hơn là tăng thuế.

Quan trọng nhất, khi đề xuất tăng thu, tăng thuế phải thận trọng. Các đề xuất đưa ra phải có cơ sở rõ ràng dựa trên các cuộc khảo sát và đánh giá tác động thực tế, rõ ràng. Không phải đề xuất theo ý muốn của người xây dựng chính sách.

PGS.TS Ngô Trí Long

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/khong-thuyet-phuc-1179707.tpo