Không thể xin lỗi suông!

Chuyện một gia đình có 13 ngôi mộ biến mất sau một đêm xảy ra trên địa bàn Hà Nội đã có lời giải rõ ràng, đại diện chính quyền đến nhà xin lỗi gia đình, hứa sẽ quy tập 13 ngôi mộ này trong cùng khu đất tại nghĩa trang, việc đền bù thiệt hại sẽ được tính toán tiếp. Động thái này của chính quyền là kịp thời, ngăn được hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra sau một hành vi sai trái về pháp luật cũng như đạo lý.

Ảnh minh họa từ internet.

Tại TP Vũng Tàu, hơn hai trăm hộ dân đã nhận được Thư xin lỗi từ phía chính quyền thành phố về việc giải quyết chậm trễ các hồ sơ hành chính của họ. Có một hộ dân, Bí thư Thành ủy gọi điện xin lỗi rồi cán bộ trực tiếp đến nhà xin lỗi và đáng nói hơn là việc cấp “sổ đỏ” cho hộ dân này cuối cùng đã được giải quyết.

Các trường hợp được xin lỗi cũng được các cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ đã gây ra, giải quyết hồ sơ ngay. Điều này đã mang lại sự hài lòng cho người dân sở tại.

Cũng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày hôm qua người dân nuôi cá bè trên sông Chà Và mang cá chết ra quốc lộ 51 chắn đường, gây ách tắc giao thông cục bộ. Lãnh đạo chính quyền tỉnh đã đến tận nơi mời bà con về trụ sở Tiếp dân giải quyết. Đang nói là vụ 14 nhà máy xả thải ở nơi đây năm ngoái đã có thỏa thuận với bà con trước sự chứng kiến của chính quyền về việc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc bồi thường chưa được thực hiện kịp thời thì tiếp tục xảy ra sự việc này.

Hình ảnh một phụ nữ vừa khóc, vừa nói: “Chúng tôi không biết trông cậy vào ai!” thật sự rất ám ảnh những người chứng kiến. Chính quyền cần xin lỗi họ và cần hơn là thúc đẩy các nhà máy xả thải thực hiện nghĩa vụ của mình và chấm dứt ngay những hành vi làm ô nhiễm môi trường.

Tại Long An, sau sự cố một Trưởng Công xã đánh học sinh lớp 9 bằng mũ bảo hiểm khi em này đang trú mưa và lôi về trụ sở tra hỏi, đại diện Công an và người đánh em đã đến nhà xin lỗi. Tuy nhiên, bố mẹ em này vẫn đề nghị phải truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi gây thương tích đối với trẻ vị thành niên.

Khởi xướng phong trào chính quyền gửi thư xin lỗi dân là ở TP Hồ Chí Minh, mới đây, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh việc “không xin lỗi suông” mà cần hành động thực tế sau lời xin lỗi đó. Đây mới là điểm mấu chốt của vấn đề, xin lỗi thuộc phạm trù ứng xử văn hóa, đó là một cử chỉ, động thái đáng hoan nghênh nhưng thực sự làm việc vì dân, khắc phục kịp thời những sai sót, chậm trễ mà mình gây ra thì lời xin lỗi mới thực sự có ý nghĩa và đem lại sự hài lòng cho người dân.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/khong-the-xin-loi-suong-299550.html