Không thể xem nhẹ

Sau vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo, Hà Nội lại bùng lên vấn đề phòng chống cháy nổ từ vụ cháy nhà hàng karaoke ở 68 Trần Thái Tông, làm 13 người thiệt mạng.

Vụ cháy được cho là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, qua kiểm tra nhiều người giật mình bởi có đến hơn 90% nhà ở Hà Nội đều vi phạm các quy định về phòng chống cháy nổ (PCCN), các quán karaoke không đủ điều kiện kinh doanh, hàng chục chung cư cao tầng không có thiết kế PCCN đầy đủ, hầu hết các văn phòng không tôn trọng Luật PCCC do sự chủ quan, bất cẩn, bỏ qua các quy định về an toàn của người dân, và sự buông lỏng công tác PCCN của các cơ quan chính quyền và lực lượng chức năng.

Quả thật, công tác PCCN của Hà Nội đang đứng trước nhiều mối nguy rất lớn. Ở khu phố cổ, nơi có mật độ dân cư cao, nhiều căn nhà có diện tích rất nhỏ, ở trong những ngõ ngách sâu và đang trong tình trạng xập xệ, xuống cấp. Nhiều căn phòng chỉ có diện tích khoảng 10 - 25m2 cũng là nơi sinh hoạt của 4, 5 người trong một hộ dân, bao gồm cả việc đun nấu nên nguy cơ xảy ra cháy cao. Không chỉ vậy, các nhà sử dụng chung hành lang với nhiều hệ thống dây điện, dây cáp được đấu nối lỏng lẻo, dễ xảy ra chập cháy nếu không để ý. Từ đầu năm 2016, tại khu phố cổ Hà Nội đã xảy ra 3 vụ cháy nhà: Ngày 16/5, ngôi nhà số 86 phố Cầu Gỗ phát hỏa, đám cháy được xác định là ở tầng 4 - phần diện tích được cơi nới thêm của căn nhà rất khó tiếp cận; ngày 19/6, một vụ cháy cũng đã diễn ra tại căn nhà hai tầng số 88 đường Hàng Khoai; ngày 29/6, người dân sống quanh khu phố cổ lại được phen hoảng hốt khi căn nhà số 48 phố Hàng Than bốc cháy tỏa khói đen nghi ngút. Điểm chung của những căn nhà này là được xây dựng từ nhiều năm trước, chủ nhà chủ quan trong việc PCCN và ở vị trí phức tạp, nhiều khó khăn khi lực lượng cứu hỏa tiếp cận. Còn các chung cư xây mới, theo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, qua kiểm tra 1.075 công trình nhà cao tầng (trong đó có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động) có 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCN, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCN đã được Cơ quan Cảnh sát PCCC kiến nghị, công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCN, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCN.

Về quận, huyện, có thể lấy Cầu Giấy làm thí dụ. Quận Cầu Giấy là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhất Hà Nội. Quận hiện có 99 cơ sở kinh doanh (cả có phép và không phép) hầu hết các cơ sở đều không bảo đảm quy định PCCN, không thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh, trật tự... Ngoài 99 cơ sở kinh doanh karaoke, hiện trên địa bàn quận Cầu Giấy có tới 100 cơ sở có sử dụng âm nhạc trong môi trường kinh doanh dưới hình thức “hát cho nhau nghe”. Các cơ sở có hoạt động này đều không xin phép, không có phòng cách âm cho khách hát, gây tiếng ồn lớn cho khu vực, ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của người dân và gây bức xúc trong dư luận. Đây chính là hình thức biến tướng của hoạt động karaoke và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, khi các trang thiết bị phòng hát chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch, không được kiểm định. Tình trạng nghiêm trọng đến mức, TP phải xem xét việc cấp phép cho các cửa hàng karaoke, tiến hành thanh tra liên ngành về PCCN. Riêng quận Cầu Giấy đình chỉ tất cả các quán karaoke trên địa bàn.

PCCN là công việc được Hà Nội triển khai thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của một đô thị có tới gần 10 triệu dân. Để đẩy lùi nguy cơ hỏa hoạn, các cơ quan chủ quản cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa, đình chỉ, xử lý nghiêm các vi phạm, chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại các sai phạm. Nên tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng khi cần “mất bò mới lo làm chuồng” tuy chậm, còn hơn không.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-the-xem-nhe-272727.html