Không thể thờ ơ!

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho biết sẽ kiểm tra các cơ sở chế biến và làm việc với các doanh nghiệp, kiểm tra đầu vào, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; đặc biệt là xây dựng chương trình thực phẩm sạch cho công nhân

“Tôi rất bức xúc về những hành vi của các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, họ đang giết đồng loại của mình” - bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP, bày tỏ khi đọc loạt bài “Hãi hùng suất ăn công nghiệp” trên Báo Người Lao Động.

Đã đến mức báo động đỏ

Theo lãnh đạo BQL ATTP TP HCM, các cơ sở sử dụng thực phẩm kém chất lượng để chế biến thành các khẩu phần ăn cho công nhân (CN) chẳng qua là vì lợi nhuận. Bà Lan cho biết đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP HCM phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra những cơ sở mà báo nêu, nếu vi phạm sẽ xử lý triệt để.

BQL ATTP TP HCM xác định bếp ăn tập thể tồn tại nhiều vấn đề bởi suất ăn công nghiệp khi đến CN đã qua nhiều khâu trung gian. Bếp ăn tập thể có nguy cơ xảy ra ngộ độc rất lớn, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và BQL ATTP TP cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình. Bếp ăn tập thể chế biến dưới 500 suất/lần do quận - huyện quản lý, còn trên 500 suất thì Chi cục ATVSTP quản lý.

Theo bà Lan, để tăng mức lợi nhuận, các cơ sở chế biến sẽ tìm đến nguồn thực phẩm kém chất lượng. Do đó, thời gian tới, BQL ATTP TP HCM sẽ yêu cầu các cơ sở chuyên chế biến suất ăn công nghiệp và chủ doanh nghiệp (DN)cam kết bảo đảm ATVSTP, sử dụng nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quy định.

Công nhân Công ty Nam Giang (KCN Song Mây, tỉnh Đồng Nai) trong bữa ăn trưa Ảnh: Thành Đồng

Trưởng BQL ATTP TP HCM cho rằng do thực phẩm hôi thối nên nhiều cơ sở sử dụng phụ gia công nghiệp để chế biến khiến nguy cơ ngộ độc và bệnh tật càng cao. Giá mỗi suất ăn hiện đã rất thấp nhưng nếu được DN chăm chút thì sẽ đỡ phần nào. Do đó, phải kiểm soát được khâu này, nếu không thì CN sẽ “gánh” hết.

“DN thấy CN vẫn ăn, vẫn làm việc là họ an tâm chứ không nghĩ đến hậu quả. BQL ATTP TP HCM sẽ lấy mẫu thức ăn, kiểm tra các cơ sở chế biến để xử lý nghiêm chứ không thể thờ ơ” - bà Lan nhấn mạnh.

Về lâu dài, bà Lan cho biết sẽ kiểm soát cả đầu vào và đầu ra, nhất là đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống. Đặc biệt, BQL ATTP TP HCM sẽ tham mưu với UBND TP xây dựng một chương trình về thực phẩm sạch bằng nguồn xã hội hóa hoặc từ thiện; xây dựng các cửa hàng tiện ích để phục vụ CN, từng bước xóa các chợ chiều thường bán hàng “quá đát”.

“Phải kiểm tra chặt nguồn thực phẩm ế thừa; quản lý chặt quy trình sản xuất và nuôi trồng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản; thiết lập lực lượng thanh tra kết hợp với các quận, huyện để kiểm tra đột xuất các cơ sở chuyên chế biến suất ăn công nghiệp. Cơ quan chức năng sẽ siết chặt bếp ăn tập thể, tiến hành kiểm tra, xử lý cả gốc lẫn ngọn, vận động các chủ cơ sở viết cam kết, huấn luyện đào tạo về bảo đảm vệ sinh ATTP” - bà Lan nêu rõ.

Tuy vậy, bà Lan cho rằng trách nhiệm pháp lý của chủ DN với CN chưa được quy định rõ, họ phải chịu trách nhiệm liên đới chứ không thể bỏ mặc cho các nhà thầu suất ăn muốn làm gì thì làm. Mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở sai phạm cũng quá thấp, không đủ sức răn đe, dẫn đến việc xử lý như bắt cóc bỏ đĩa.

Bà Lan cho biết việc cung cấp suất ăn kém chất lượng, không bảo đảm ATTP đã xảy ra nhiều năm nay. Theo bà, tình hình vệ sinh ATTP nói chung và vệ sinh ATTP trong các bếp ăn công nghiệp đã đến mức báo động đỏ, cần các cấp, các ngành vào cuộc xử lý.

Khó thể giám sát

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM - cho biết qua phản ánh của Báo Người Lao Động, LĐLĐ quận đã yêu cầu Công đoàn (CĐ) cơ sở Công ty Dệt may Thái Dương báo cáo về bữa ăn giữa ca tại công ty này.

“Theo CĐ cơ sở Công ty Dệt may Thái Dương, CN tỏ ra hoang mang, lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn và suất ăn hiện nay. Ban giám đốc công ty đã mời DNTN Thành Huy (đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, ở Bình Dương) đến làm việc. Từ ngày 28-3, Công ty Thái Dương đã cử bộ phận kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, cách chế biến thức ăn… Trước mắt, DNTN Thành Huy vẫn cung cấp suất ăn cho CN, ai e ngại thì có thể dùng bánh, sữa tươi để thay thế” - ông Phương cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP HCM, cho rằng điều đáng lo hiện nay là chưa có cơ chế giám sát suất ăn công nghiệp. Hiện nay, luật chỉ quy định CN làm việc 8 giờ được DN hỗ trợ một bữa ăn giữa ca “đầy đủ dinh dưỡng”, trong khi “đầy đủ dinh dưỡng” cụ thể như thế nào thì chưa được quy định rõ ràng.

“CĐ cơ sở chỉ giám sát được những DN có tổ chức bếp ăn ngay tại công ty mình. Còn các DN mua suất ăn công nghiệp bên ngoài, chế biến tại nơi của họ thì không giám sát được. Ngay cả tại các DN có tổ chức bếp ăn, CĐ chỉ có thể theo dõi, lấy ý kiến CN rồi phản ánh lên ban giám đốc mà không có thẩm quyền xử phạt hay cắt hợp đồng với nhà thầu nếu họ vi phạm hay chất lượng bữa ăn quá kém. Tổ chức CĐ rất mong luật quy định rõ ràng, một suất ăn “đầy đủ dinh dưỡng” cho CN trong từng ngành nghề gồm bao nhiêu tinh bột, bao nhiêu đạm, chất xơ… Nếu được như thế, cơ chế giám sát sẽ rõ ràng và thuận tiện hơn” - ông Đô phân tích.

Tích tụ trong người

Theo Chi cục ATVSTP TP HCM, đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.

Tuy vậy, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc dựa trên số vụ ngộ độc thực phẩm không đánh giá đúng tình hình vệ sinh ATTP hiện nay. Bởi lẽ, việc sử dụng thực phẩm kém chất lượng nhiều khi không có biểu hiện ngay mà tích tụ trong người.

THÀNH ĐỒNG - HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khong-the-tho-o-20170330214439734.htm