Không thể có việc ăn cưới trong Bảo tàng, uống bia trong Cung thể thao

Ngày 12-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 12 Luật quan trọng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc sử dụng tài sản công phải đúng mục đích, công năng nên không có chuyện tổ chức tiệc cưới trong bảo tàng

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 12 Luật, gồm: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gọi tắt là Luật số 12/2017/QH14); Luật Cảnh vệ; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Đường sắt; Luật Thủy lợi; Luật Du lịch; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý ngoại thương.

Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có nhiều điểm mới cơ bản như người từ đủ 14 - dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tội danh. Luật cũng bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội; Không xử lý hình sự đối với người có hành vi tảo hôn…

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu rõ về nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm của Nhà nước, những thiệt hại được bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường… Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Luật cũng quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai…

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Theo đó căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Luật quy định thành nhóm các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và nhóm các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo.

Luật Cảnh vệ gồm 6 chương 33 điều quy định đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Luật cũng quy định rõ các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ. Theo đó, trên cơ sở nguyên tắc và các trường hợp được nổ súng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ quy định CBCS cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập khu vực, mục tiêu được cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả, vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ…

Luật Đường sắt 2017 có nhiều điểm mới cơ bản, trong đó các quy định về đường sắt tốc độ cao là điểm mới nổi bật. Luật quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng, quản lý, khai thác, bảo trì… đường sắt tốc độ cao. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao ở nước ta trong thời gian tới.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định nội dung quản lý Nhà nước về tài sản công, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước đối với tài sản công…

Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều quy định rõ về các biện pháp quản lý ngoại thương, phòng vệ thương mại, phát triển hoạt động ngoại thương và nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp…

Liên quan đến Luật này, tại buổi họp báo, một số phóng viên đã đặt câu hỏi: “Thời gian qua tại một số địa phương xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc vào nước ta thu mua đỉa, rễ cau, cá ba sa quá lứa… khiến người dân đổ xô đi thu gom, nuôi đỉa để bán cho thương lái. Vậy làm thế nào để tránh được tình trạng này?”.

Làm rõ các nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua đã có tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua đỉa, rễ cau, hành tím… Nguyên nhân do khi đã hội nhập kinh tế quốc tế, có nhiều công dân của các nước sang Việt Nam, cũng như công dân Việt Nam sang các nước cũng đơn giản, dễ dàng. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để kiểm soát vấn đề như báo chí nêu, vai trò của các địa phương rất quan trọng.

Một số công dân nước khác sang Việt Nam theo hình thức du lịch nhưng lại thu mua đỉa và nhiều mặt hàng khác. Những vấn đề này đã được kiểm tra, xử lý. “Để làm tốt việc này, vai trò của các bộ, ngành là đưa ra những chính sách, các quy định cũng như tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, còn chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng để theo dõi, ngăn chặn tình trạng thương lái nước ngoài vào Việt Nam thu mua các mặt hàng một cách bất thường” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Quy định doanh nghiệp cho thuê tài sản để kinh doanh được mở rộng trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có thể khiến người dân được ăn cưới ở Bảo tàng, uống bia ở Cung thể thao, chẳng khác nào hợp lý hóa cho doanh nghiệp cho thuê tài sản Nhà nước để kinh doanh”?.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho rằng, không ai ban hành quy định hợp thức hóa để doanh nghiệp làm sai. Luật mới đã quy định chặt chẽ về điều kiện sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh (gồm 8 điều kiện, tăng thêm 4 điều kiện so với Luật cũ) trong đó có điều kiện phải sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, công năng sử dụng tài sản, đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nên không có việc người dân ăn cưới trong Bảo tàng, uống bia trong Cung thể thao.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-the-co-viec-an-cuoi-trong-bao-tang-uong-bia-trong-cung-the-thao/734433.antd