Không rào chắn tràn lan để làm metro

Sáng nay (30-9), hợp long cầu Sài Gòn trên tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên.

“Sáng nay (30-9), cầu Sài Gòn của tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) sẽ được hợp long”. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), thông tin tại buổi họp báo hôm 29-9.

Năm 2018 chạy thử nhưng chưa khai thác

Theo ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (Ban 1, quản lý tuyến metro số 1), cầu Sài Gòn là 1/5 cầu đặc biệt vượt sông và các giao lộ của tuyến metro số 1. Các cầu vượt giao lộ khác như cầu Văn Thánh (vượt qua đường Nguyễn Hữu Cảnh ngay tại cầu Văn Thánh 2), cầu vượt đường Điện Biên Phủ, cầu vượt rạch Rạch Chiếc, cầu vượt xa lộ Hà Nội (để vào depot Long Bình, quận 9) đều được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng.

Cầu Sài Gòn hợp long nhưng các hạng mục khác vẫn phải tiếp tục thi công, hoàn thiện nên hệ thống rào chắn dọc theo 17,1 km đường đi trên cao, băng qua các đường chui phía dưới như dưới dạ cầu Sài Gòn, nút giao Tây Hòa, nút giao Bình Thái, ngã tư Thủ Đức… vẫn phải duy trì. Nặng nhất là các rào chắn trước chợ Bến Thành, dọc đường Lê Lợi sẽ tồn tại nhiều năm cho đến khi các hạng mục ở đây hoàn thành.

Vậy khi nào toàn tuyến hoàn thành? Ông Quang cho biết đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn tuyến metro số 1 và cho chạy thử. “Năm 2018 có thể chạy thử đoạn đi trên cao dài 17,1 km nhưng chưa đưa vào khai thác được. Vì lúc đó tàu chỉ có thể đi đến ga Văn Thánh. Như vậy, đến sau năm 2020 hoàn thành toàn tuyến mới chính thức phục vụ người dân” - ông Quang nói.

Cầu Sài Gòn của tuyến metro số 1 đã định hình. Ảnh: LĐ

Tiếp tục thi công, rào chắn trước chợ Bến Thành

Lãnh đạo MAUR cho biết những ngày tới sẽ triển khai thi công hàng loạt hạng mục trên mặt đất ở trung tâm, phía trên các tuyến đường lớn thuộc cửa ngõ phía đông TP.

Tuy vậy, theo ông Dương Hữu Hòa, tại các cầu metro vượt qua cầu, đường bộ đơn vị thi công sẽ thực hiện đúc hẫng tới đâu thì mới rào chắn mặt cầu, đường phía dưới đến đó để đảm bảo an toàn cho người, xe di chuyển và giảm thiểu diện tích chiếm dụng, tránh gây ùn ứ giao thông.

Ngoài ra, ông Hoàng Như Cương, Phó ban MAUR, còn cho biết từ ngày 15-10 tới, đơn vị thi công sẽ triển khai rào chắn ở khu vực trước chợ Bến Thành và đường Lê Lợi (quận 1) để thi công nhà ga và đoạn đi ngầm thuộc gói 1a (từ ga Bến Thành đến ga trước Nhà hát TP). Dự kiến thời gian thi công gói thầu này kéo dài đến năm 2020.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang nhận định các hạng mục trên sẽ ảnh hưởng lớn đến đi lại của người dân nhưng MAUR đề cao tính an toàn, ưng thuận của người dân và sự rốt ráo, quyết liệt của đơn vị thi công, đơn vị quản lý. “Quan điểm của ban dù là công trình lớn nhưng dùng các rào chắn chiếm dụng mặt đường ít nhất. Đoạn nào triển khai đào, xây dựng công trình thì mới cho rào. Xong phải trả lại mặt đường cho lưu thông ngay. Ngay như hạng mục kép là trung tâm thương mại ngầm nằm phía trên đường metro dưới đất chúng tôi xác định chỉ dựng rào chắn, đào một lần. Đào, làm dứt điểm từng đoạn, không tràn lan, đào nhiều lần để tránh gây ảnh hưởng, ách tắc giao thông ở khu vực trung tâm TP” - ông Quang cam kết.

Tiến độ các hạng mục đến đâu?

- Hai ga ngầm trước Nhà hát TP và ga Ba Son (gói 1b) đã đạt 36% khối lượng thi công và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Dự kiến đầu năm 2017 nhà thầu sẽ đưa máy khiên đào ngầm đoạn nối giữa hai ga này vào thi công.

- Phần đường trên cao (dài 17,1 km) đã thi công đạt 60% khối lượng. Dự kiến đoạn đi cao này sẽ hoàn thành vào năm 2019.

- Gói lắp đặt đường ray, mua sắm cơ điện, toa xe… đang thiết kế kỹ thuật và đến đầu năm 2017 sẽ chuyển sang thiết kế chế tạo. Năm 2019 sẽ lắp đặt để năm 2020 kịp hoàn thành.

___________________________________

75 cây xanhtrên đường Lê Lợi sẽ bị ảnh hưởng bởi gói thầu 1a. Trong số này có 24 cây (gốc bị sâu, thân cao rỗng mục và tán vươn dài xa ra mặt đường nên dễ ngã đổ) sẽ phải hạ bỏ và 51 cây sẽ được di dời, chăm dưỡng và trồng lại ở nơi khác.

Ông DƯƠNG HỮU HÒA

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/khong-rao-chan-tran-lan-de-lam-metro-655612.html