Không quân Mỹ sử dụng sát thủ F-22 đến năm 2060

Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor sẽ được Không quân Mỹ duy trì sử dụng đến năm 2060 nhằm duy trì năng lực chiếm ưu thế trên không.

Chim ăn thịt F-22 diệt mục tiêu Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor được thiết kế để tiêu diệt mọi mục tiêu bay, đảm bảo ưu thế trên không của Mỹ.

Tạp chí National Interest cho biết Lầu Năm Góc đang đệ trình khoản ngân sách bổ sung cho kế hoạch kéo dài thời gian sử dụng tiêm kích tàng hình F-22 Raptor đến năm 2060.

Trung tướng Arnold Bunch, Phó trợ lý Bộ trưởng Không quân phụ trách mua sắm vũ khí đã đề xuất khoản ngân sách 624,5 triệu USD trong năm tài chính 2018 để phục vụ cho kế hoạch kéo dài thời gian sử dụng F-22.

Kế hoạch nâng cấp F-22 Raptor được đưa ra nhằm duy trì khả năng chiếm ưu thế trên không của Mỹ trước các mối đe dọa đang nổi lên. Việc Không quân Mỹ dự định sử dụng F-22 đến năm 2060 gây ngạc nhiên cho giới phân tích quân sự.

Tom McIntyre, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu, người ủng hộ nối lại sản xuất F-22 khá ngạc nhiên trước thông tin Không quân Mỹ duy trì tiêm kích này đến năm 2060, liệu khung máy bay có đảm bảo cho đến thời điểm đó.

“Đó là một điều ngạc nhiên, chúng tôi không mong đợi đến năm 2060”, ông McIntyre nói. Các chuyên gia quân sự cho rằng, khung máy bay F-22 được thiết kế cực kỳ chắc chắn theo những yêu cầu khắt khe nhất những năm Chiến tranh Lạnh.

3 tiêm kích F-22 trong một sứ mệnh trên biển Nhật Bản. Ảnh: USAF.

3 tiêm kích F-22 trong một sứ mệnh trên biển Nhật Bản. Ảnh: USAF.

Về mặt lý thuyết, khung máy bay F-22 được thiết kế với vòng đời sử dụng khoảng 8.000 giờ bay nhưng thực tế cho thấy F-22 có thể hoạt động an toàn đến 12.000 giờ bay, thậm chí tới 15.000 giờ mà không cần sửa chữa.

Ông McIntyre cho biết thêm, thập niên 80-90, trong quá trình thiết kế F-22, chỉ riêng phần khung máy bay đã có tới 10 bản thiết kế khác nhau để tập hợp lại thành kết cấu vững chắc nhất. Các kỹ sư của Lockheed Martin với sự hỗ trợ của công nghệ mô phỏng để tạo ra kết cấu khung có thể chịu được những môi trường hoạt động khắc nghiệt nhất.

Các chuyên gia Không quân Mỹ cho biết vấn đề đối với F-22 là sự ăn mòn lớp phủ tàng hình nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu khung. Không quân Mỹ cùng các chuyên gia đang nghiên cứu lớp phủ chống tĩnh điện để loại trừ vấn đề này.

Ngoài ra, Không quân Mỹ đang phối hợp cùng nhà sản xuất Lockheed Martin để đảm bảo đủ linh kiện thay thế cho F-22 trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Khoảng 40.000 bộ linh kiện cho F-22 đã được sản xuất và bảo quản trong kho lưu trữ.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có tiêm kích tàng hình ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: USAF.

Về mặt kỹ thuật, tiêm kích F-22 có thể duy trì hoạt động đến năm 2060 nhưng các chuyên gia đang băn khoăn, liệu Raptor có duy trì được lợi thế chiến thuật ở thời điểm nửa sau thế kỷ 21. Không quân Mỹ vẫn chưa có câu trả lời chính thức về vấn đề này.

Các đối thủ tiềm tàng như Nga, Trung Quốc đang phát triển các công nghệ để đánh bại F-22, cũng như ưu thế trên không của Mỹ. Ông McIntyre nhận định, từ những năm 2030 trở đi, F-22 sẽ giống như máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện nay.

Khi đó, F-22 sẽ phối hợp với máy bay chiến đấu thế hệ 6, tương tự như sự hợp tác giữa chiến đấu cơ thế hệ 4 và 5 hiện tại. Quá trình nâng cấp cụ thể cho F-22 sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2019-2020. Giai đoạn 2025-2030, F-22 sẽ tiếp tục được đánh giá và nâng cấp để đảm bảo ưu thế chiến thuật.

Tiêm kích tàng hình F-22 được chính thức đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ từ năm 2005, nếu duy trì hoạt động đến năm 2060, tiêm kích này sẽ đạt cột mốc 55 năm sử dụng, một con số ấn tượng đối với máy bay chiến đấu.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-quan-my-su-dung-sat-thu-f-22-den-nam-2060-post758325.html