Không quân Hải quân Việt Nam – 'Đại bàng thép' trên biển Đông

Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 có thể thực hiện được các nhiệm vụ: Tác chiến săn ngầm; vận tải quân sự; trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước; tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạn và phòng chống bão lụt.

Đây là bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và quân chủng Hải quân nói riêng. Ngày 03.07.2013 Quân chủng Hải quân thực sự bước sang một trang sử mới, một bước phát triển mạnh mẽ của lực lượng xét trên quan điểm chiến lược phòng thủ vì lợi ích quốc gia biển và không gian trên biển.

Lữ đoàn Không quân Hải quân với nhiệm vụ khởi đầu chống ngầm, trinh sát, tuần biển và cứu hộ cứu nạn là sự mở đầu cho những nhiệm vụ mang tầm chiến lược: Đưa Hải quân Việt Nam trở thành một lực lượng quân sự hải dương hùng mạnh, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại hải dương trên các vùng biển lớn.

Trong lịch sử phát triển của các cường quốc Hải quân thế giới, để duy trì và quản lý biển khơi, bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc, không thể thiếu được lực lượng Không quân Hải quân. Với tầm tác chiến xa hàng nghìn km so với đất liền, khả năng hiệp đồng binh chủng cùng với các hạm đội khác, Không quân Hải quân đóng vai trò quyết định trong hiệu quả tác chiến trên ba tầng không gian, bầu trời, mặt nước và dưới mặt nước.

Từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, Không quân Hải quân đã có vị thế mà lực lượng Không quân không thể thay thế được. Đó là khả năng chống ngầm, tấn công các mục tiêu trên biển và trên đất liền, khả năng phản ứng nhanh, linh hoạt ngay từ thời điểm đầu của cuộc chiến tranh.

Một ví dụ điển hình, Nhật Bản đã thành công rất nhanh khi sử dụng không quân hải quân tấn công quân đội Mỹ, và cũng sụp đổ rất nhanh khi mất đi các tàu sân bay và lực lượng không quân hải quân của mình.

Trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ sau này, đều có sự tham gia tích cực của lực lượng không quân hải quân, đặc biệt trong chiến tranh Việt Nam, không quân Hải quân Mỹ đóng vai trò hỏa lực yểm trợ chiến trường, chi viện cho bộ binh Mỹ, phong tỏa vịnh Bắc bộ và là lực lượng tiên phong trong các cuộc không kích vào miền Bắc Việt Nam.

Cho đến ngày nay, Không quân Hải quân Mỹ luôn phải thực hiện các nhiệm vụ có tính chiến dịch – chiến thuật, ứng phó kịp thời với các cuộc khủng hoảng và tạo các điều kiện ban đầu cho một chiến lược lâu dài cho một hoạt động – đối ngoại hay quân sự.

Không quân hải quân (KQHQ) hiện đại ngày nay có khả năng thực hiện một khối lượng những nhiệm vụ chiến đấu lớn hơn nhiều lần so với các binh chủng khác trong hạm đội, KQHQ trong thực hiện các nội dung công tác thường có tính đa dụng, đa nhiệm và nhanh chóng.

Trong biên chế của lực lượng KQHQ có các đơn vị chuyên biệt như lực lượng không quân tên lửa, lực lượng không quân chống ngầm, lực lượng không quân cường kích, lực lượng không quân trinh sát và cảnh báo sớm, chỉ huy điều hành tác chiến đường không, lực lượng không quân tiêm kích và các đơn vị vận tải hậu cần kỹ thuật, đảm bảo đường không và cứu hộ cứu nạn.

Những lực lượng này đã tăng cường thêm tính đa dạng của nhiệm vụ được giao cũng như các lĩnh vực mà KQHQ thực hiện các nội dung công tác.

Máy bay Su-27 phóng tên lửa diệt hạm Yakhont

Máy bay Su-27 phóng tên lửa diệt hạm Yakhont

Những định hướng chiến lược phát triển Học thuyết quân sự hải dương của các cường quốc quân sự hiện nay (Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Anh, Pháp) đều nêu rõ, các hạm đội lớn được cấu thành từ các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa, các tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm, tàu sân bay, tàu đổ bộ đường biển và các chiến hạm đa nhiệm, KQHQ tên lửa và chống ngầm, tuần tiễu, trinh sát và tác chiến điện tử.

Ở những vùng biển gần, các hạm đội được tăng cường thêm các đơn vị tàu tuần biển đa nhiệm, tàu rải quét thủy lôi, tàu ngầm diesel – điện, lực lượng tên lửa – pháo binh bảo vệ bờ biển, hải đảo và không quân cường kích, đồng thời chú trọng các lực lượng hậu cần kỹ thuật như các phân đội tàu vận tải, các phi đoàn máy bay vận tải, y tế tiền phương và cứu hộ cứu nạn.

Từ những định hướng phát triển chiến lược của KQHQ, có thể thấy rõ, tùy theo mục đích yêu cầu chính trị đối ngoại và chiến lược phát triển hải quân của từng quốc gia mà lực lượng không quân hải quân các nước có biên chế khác nhau.

Các nước có lực lượng hải quân viễn chinh thông thường có nhu cầu phát triển không quân tiến công trên tàu sân bay. Các nước có tiềm lực quân sự nhỏ hơn, để quản lý vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo thì chủ yếu phát triển không quân hải quân có căn cứ, sân bay trên hải đảo hoặc bờ biển, các lực lượng cất cánh trên boong chủ yếu là máy bay trực thăng làm các nhiệm vụ khác nhau trên các chiến hạm từ hộ vệ tên lửa đến tuần dương hạm hoặc tàu đổ bộ.

Trực thăng chống ngầm hạ cánh trên boong tàu

Trong một cấp độ nào đó, sự phát triển của hải quân có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu biên chế tổ chức và mục đích yêu cầu của KQHQ. Ví dụ: Khi các lực lượng hải quân đang bắt đầu những bước đầu tiên của tiến trình hiện đại hóa, các máy bay tác chiến tầm xa của quân chủng Không quân như không quân tên lửa, không quân chống ngầm, trinh sát và tác chiến điện tử, chỉ huy trên không (hoặc một số các đơn vị trực thăng chiến đấu – công tác) có khả năng độc lập thực hiện các nhiệm vụ được giao và không nằm trong biên chế chính thức của hải quân).

Nhưng kinh nghiệm của các nước cường quốc hải quân cho thấy, sự phát triển của không quân hải quân có vô vàn các vấn đề về tư duy lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Một phần lớn những quan điểm mang tính tư duy lý luận xuất phát từ những luận cứ khoa học phát triển trong lực lượng không quân.

Nhưng cần nhìn nhận một thực tế rõ ràng, ngay trong thời điểm này, không quân hải quân đã phải thực hiện một khối lượng rất lớn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và sẵn sàng chiến đấu cao của Hải quân trong hiệp đồng tác chiến trên biển, đồng thời phải phối hợp với những binh chủng khác của lực lượng.

Nhiệm vụ KQHQ trong thời chiến

- Trinh sát đường không tầm xa, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và chỉ huy đường không mọi hoạt động tác chiến cấp chiến dịch, chiến thuật.

- Chiếm lĩnh và khống chế bầu trời trong khu vực tác chiến của lực lượng hải quân, ngăn chặn và tiêu diệt mọi nguy cơ tiến công đường không của lực lượng không quân đối phương.

- Thực hiện nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trinh sát và cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và hỗ trợ thông tin liên lạc giữa các lực lượng tham gia tác chiến và chỉ huy cấp cao. Phát hiện, cảnh báo và tiêu diệt các mục tiêu không kích từ tầm xa.

- Phong tỏa các khu vực biển, eo biển, vịnh và các vùng biển hẹp, ngăn chặn chiến hạm, tàu địch từ khu vực phong tỏa cơ động ra biển lớn.

- Yểm trợ và chi viện hỏa lực cho các lực lượng đổ bộ đường biển, các lực lượng bộ binh trong khu vực ven biển.

- Tiêu diệt các chiến hạm đối phương trên biển lớn.

- Trinh sát tìm kiếm tàu ngầm và tham gia truy quét, tiêu diệt các tàu ngầm đối phương trong khu vực được giao.

- Tấn công các mục tiêu ở hải cảng, căn cứ quân sự ven biển và các sân bay ven biển.

Ngoài những nhiệm vụ chiến đấu, KQHQ thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, tuần biển, vận tải, cứu hộ và trong một số trường hợp điều kiện thời bình, biểu dương sức mạnh răn đe, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải hoặc khu vực kinh tế của đất nước, tham gia diễn tập chung thực hiện nhiệm vụ chính trị - đối ngoại hải quân.

Máy bay tuần biển C 212.

Có những lý luận cho rằng, không quân tên lửa và không quân cường kích nên nằm trong biên chế của quân chủng Không quân (lực lượng không quân tầm xa) và thực hiện các hoạt đông tác chiến như một lực lượng độc lập, hiệp đồng quân chủng với Hải quân theo kế hoạch tác chiến, tấn công các mục tiêu trên biển theo nhiệm vụ đươc giao.

Viện dẫn từ điều này được trích từ các hoạt động tác chiến của lực lượng không quân hải quân Mỹ và lực lượng không quân tầm xa Mỹ trong các cuộc xung đột khu vực.

Xét từ góc độ chiến tranh hiện đại, rõ ràng không quân tên lửa (các máy bay đa nhiệm như Su–30 MK2. Su–22M4, thì máy bay mang tên lửa và cường kích là xương sống của sức mạnh hải quân – năng lực của tác chiến hiệp đồng binh chủng trong quân chủng.

Nếu như KQHQ mất đi lực lượng công kich tầm xa và tầm trung, các phương tiện mang tên lửa và bom điều khiển, các phi đội máy bay tiêm kích đánh chặn, lúc đó KQHQ mất đi sức mạnh của lực lượng tấn công chủ lực, đồng thời xương sống của sức mạnh Hải quân cũng sẽ tan rã.

Máy bay săn ngầm và tuần biển XP-1 (Nhật Bản).

Đáp án cho câu hỏi, KQHQ là trụ cột sức mạnh của hạm đội không gây lên sự nghi ngờ của bất cứ ai. Ngoài việc thực hiện một khối lượng lớn các nhiệm vụ trên biển, KQHQ còn thực hiện nhiệm vụ che chắn, chi viện hỏa lực cho các lực lượng khác trong quân chủng hoàn thành nhiệm vụ.

Vấn đề đặt ra, các binh chủng của quân chủng không quân có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản như đã nêu trên hay không, câu trả lời đã khá rõ nét. Việc sử dụng các lực lượng của quân chủng không quân nhằm giải quyết các nhiệm vụ trên biển, hiệp đồng với hải quân cho hiệu quả rất thấp hoặc hoàn toàn không có hiệu quả.

Trong tương lai, khả năng xảy ra chiến tranh thế hệ thứ 4+ (chiến tranh phi tiếp xúc dồn nén thời gian và công nghệ điều khiển học, tự động hóa cao độ trên cả 4 vùng không gian tác chiến (vũ trụ, không trung, mặt biển và dưới mặt biển) thì việc sử dụng lực lượng không quân trong nhiệm vụ tác chiến không – hải trên biển cũng không có hiệu quả tối ưu.

Điều kiện tình hình đất nước, vùng trời và vùng biển trong thập kỷ này và trong tương lai gần sẽ diễn biến phức tạp. Sự phát triển KQHQ với đầy đủ các lực lượng chiến đấu và hậu cần kỹ thuật như một hệ thống chiến đấu của Hải quân là điều kiện cấp thiết già̀nh thắng lợi trong đấu tranh chính trị đối ngoại cũng như xung đột khu vực và chiến tranh cục bộ.

Có lẽ sẽ là rất logic nếu tính đến yếu tố cần và đủ trong điều kiện không thể dự đoán trước được các vector phát triển tình huống có ẩn chứa nguy cơ xung đột với sự hiện diện của rất nhiều cường quốc cũng như sự va chạm của nhiều lợi ích trên biển Đông.

Máy bay chỉ huy trên không và cảnh báo sớm Nhật Bản

Các cán bộ tham mưu lực lượng Không quân thường có những quan điểm cho rằng: trong một cuộc xung đột cường độ cao, giới hạn về thời gian nhưng không giới hạn về không gian tác chiến, các máy bay chiến đấu hiện đại và siêu hiện đại (Su -27, Su -30MK và các loại máy bay khác) có khả năng mang tên lửa hành trình tầm xa, tầm trung và tầm gần (Moskit, Club K, Yakhont, Ural –E) có thể thực hiện những nhiệm vụ tác chiến rất quan trọng như tấn công các chiến hạm mang tên lửa, tấn công tàu ngầm và chiến hạm nổi, ngăn chặn và tiêu diệt các cụm không quân tấn công của đối phương.

Đồng thời có năng lực trinh sát và cảnh báo sớm tầm xa, trong thế trận đồng bộ hóa và mạng hóa C3I hoặc C4I2, có thể tham chiếu, chia xẻ thông tin và cung cấp thông tin mục tiêu cho các hạm đội tham gia chiến đấu.

Tất nhiên, lực lượng không quân không thể thực hiện nhiệm vụ tuần biển trinh sát chống ngầm, theo dõi các tầu ngầm và kết hợp cùng với hải quân tiêu diệt tàu ngầm, cùng như không thể chủ động chỉ thị mục tiêu hỏa lực cho hạm đội tàu ngầm hoặc chiến hạm nổi.

Với điều kiện phát triển của lực lượng vũ trang nói chung và hải quân nói riêng, những suy luận đã nêu hoàn toàn có cơ sở trên phương diện tấn công mục tiêu với góc nhìn của một chiến trường “không kích toàn bộ” trên bản đồ.

Nhưng không phải là tự nhiên khi chương trình huấn luyện phi công tiên tiến có định hướng rất rõ, huấn luyện chuyên sâu theo chức năng nhiệm vụ và phương tiện kỹ thuật cũng như môi trường tác chiến (tiêm kích, cường kích chống tàu, máy bay ném phóng vũ khí có điều khiển, tên lửa không đối đất.

Hoàn toàn không có khả năng đào tạo được một phi công đa dụng ngay cả trong môi trường tác chiến. Ví dụ: Su–27 tùy theo khoảng cách, vũ khí tên lửa mang (Yakhont, Moskit hoặc Uran – E) có thể có tầm bay chiến đấu khác nhau, hoặc trên tầm bay 3.000 km, hoặc bay thấp tránh ra đa trong vùng tác chiến, bay phối hợp hỏa lực tên lửa hạm đội và hỏa lực không quân tên lửa.

Đây là những vấn đề huấn luyện vô cùng phức tạp từ lý thuyết đến thực tế hành động, không chỉ riêng mỗi lực lượng phi công, mà còn cả đơn vị, từ ban chỉ huy, lực lượng điều hành chỉ huy bay, các đơn vị kỹ thuật, hậu cần công binh.

Một ví dụ khác cũng không kém phần quan trọng: Lực lượng không quân chống ngầm bao gồm cả máy bay chống ngầm (máy bay trinh sát chống ngầm, trực thăng chống ngầm, chiến hạm chống ngầm, tàu ngầm – nếu trong trường hợp phát hiện tàu ngầm diesel - điện, máy bay chống ngầm cánh quạt hoặc trực thăng chống ngầm có thể phối hợp tiêu diệt được.

Nhưng trong không gian tác chiến rộng hơn, mục tiêu có thể là tầu ngầm nguyên tử đa nhiệm hoặc cụm tàu ngầm diesel – điện hoặc có sự phối hợp giữa không quân hải quân đối phương – nhiệm vụ tác chiến rõ ràng đã mở rộng, cần có sử phối hợp của cả không quân tiêm kích hải quân và không quân tên lửa mang tên lửa chống ngầm Club.

Su -22M4 Máy bay cường kích mang bom điều khiển và tên lửa Việt Nam.

Trong tương lai không xa, tác chiến không biển sẽ không đơn thuần là không quân – hải quân theo nghĩa hiểu đơn giản của nó, tham gia vào vòng xoáy công nghệ thống lĩnh hải dương sẽ là các máy bay không người lái mang vũ khí (tên lửa chống tàu hoặc tên lửa, bom có điều khiển) có thể cất cánh trên tàu sân bay, cất cánh thẳng đứng, sử dụng 1 lần như một robot tên lửa hành trình hoặc sử dụng nhiều lần. Tức là những đặc trưng của tác chiến không hải sẽ càng ngày càng sâu đậm và đa dạng hơn. Lực lượng không quân hải quân cũng càng ngày càng chuyên biệt hơn.

Từ những cơ sở lý luận đã nêu, có thể cho thấy. KQHQ không đơn thuần là lực lượng không quân tác chiến trên mặt biển. Đây hoàn toàn là một lực lượng chiến đấu – một binh chủng, một hệ thống tác chiến chủ lực của hải quân, song hành cùng với các hạm đội.

Môi trường tác chiến đóng vai trò quyết định sự hình thành các lực lượng tấn công chủ lực, như lực lượng không quân tên lửa tầm xa và tầm trung, lực lượng không quân tiêm kích, lực lượng không quân không người lái, lực lượng không quân chống ngầm, lực lượng không quân chiến thuật….trong một biên chế tổ chức chung của không quân hải quân thuộc quân chủng Hải Quân.

Kinh nghiệm cuộc chiến tranh đường không chống Mỹ vô cùng quan trọng nếu nhìn từ góc độ môi trường tác chiến và so sánh binh lực kỹ chiến thuật của mỗi bên đã để lại những giá trị lý luận rất quan trọng cho cả hai bên.

Dù không gian chiến trường diễn ra trên không trung chủ yếu của miền Bắc Việt Nam, nhưng những bài học kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng của quân chủng Phòng không – Không quân thật sự có ý nghĩa thực tế đến tận ngày nay.

Cũng có thể nói rằng “ các cuộc chiến tranh không bao giờ lặp lại” các nhà lý luận quân sự phương Tây nhắc nhiều đến các cuộc chiến tranh dồn nén thời gian, chiến tranh trên không gian truyền thông, thông tin đồng thời với chiến tranh vũ lực, chiến tranh của vũ khí công nghệ có độ chính xác cao, chiến tranh phi tiếp xúc, chiến tranh phi đối xứng.

Nhưng từ một góc nhìn khác có thể thấy, nghiên cứu các nguyên tắc và các quy luật tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột khu vực hoặc đơn giản hơn, là những căng thẳng có vũ trang sẽ thấy được, các bên tham chiến đều kiên trì lặp lại các mối liên kết và quan hệ, cũng như các nguyên tắc tiến hành các hoạt động tác chiến, được hình thành trên cơ sở các nguyên tắc và quy luật đấu tranh vũ trang, hình thành một hệ thống cơ sở lý luận theo chuỗi liên kết chặt chẽ với nhau và được định danh là “nghệ thuật quân sự”, nếu áp dụng các cơ sở lý luận trên môi trường không gian tác chiến không – hải sẽ là “nghệ thuật quân sự hải quân” song song cùng với Học thuyết quân sự hải quân.

Nếu lấy góc nhìn từ phía lực lượng KQHQ Mỹ, sẽ thấy một điểm yếu vô cùng quan trọng, đó là kỹ thuật tác chiến cứng nhắc, không năng động và hiệu quả, với phương thức sử dụng lực lượng thiên về ý đồ áp đảo.

Trong những tình huống phức tạp hơn như sự xuất hiện của tên lửa PK S-75 Dvina, người Mỹ đã buộc phải thay đổi hoàn toàn kỹ thuật tác chiến đi kèm theo với vũ khí và phương tiện tác chiến mới, sự xuất hiện của MiG-17 và MiG- 21, dù với số lượng rất nhỏ so với lực lượng không quân Mỹ, cũng buộc người Mỹ lại thay đổi chiến thuật, kỹ năng tác chiến và vũ khí trang bị.

Sự giáo điều trong lý luận và nguyên tắc thực hiện cho đến khi phải hình thành trường huấn luyện phi công Topgun có một cái giá quá đắt cho không quân hải quân Mỹ. Đó là kỹ năng chuyên sâu môi trường tác chiến và khả năng năng động sáng tạo, nhanh chóng thích hợp với thay đổi môi trường của lực lượng chỉ huy không quân hải quân và phi đoàn người lái.

Từ góc nhìn lực lượng Phòng không – Không quân có thể nhận rõ, tính chuyên biệt và sự hiểu biết sâu sắc môi trường tác chiến đã tạo được lợi thế cao nhất cho tất cả các lực lượng phòng không, từ lực lượng pháo phòng không các cỡ nòng đến tên lửa, máy bay tiêm kích.

Hình thành các lớp phòng không dày đặc, với những đòn tấn công bất ngờ từ các trận địa phục kích của MiG-17 và MiG- 21 đã buộc đối phương phải phá vỡ đội hình che chắn, gây nhiễu chống tên lửa và xa vào thế trận dày đặc của pháo phòng không.

Sự hiểu biết sâu sắc mội trường tác chiến là ưu thế tuyệt đối đối với mọi lực lượng phòng ngự, dù đối phương có binh lực lớn hơn rất nhiều lần.

Từ kinh nghiệm của chiến tranh đường không trên bầu trời Việt Nam, có thể rút ra được nhận xét: trên cơ sở sự phát triển lực lượng Hải quân trong tương lai gần, với tiềm lực kinh tế quốc phòng hiện nay, KQHQ sẽ không thực sự phát huy được sức mạnh nếu không có một lực lượng phòng không trên biển hùng mạnh.

Lịch sử cho thấy, sức mạnh của MiG 21 đã được nhân lên gấp nhiều lần trong các cuộc đối đầu với máy bay Mỹ có kỹ thuật cao, kinh nghiệm bay nhiều giờ hơn và số lượng đông hơn gấp nhiều lần do phi công Mỹ lúng túng, bị bó chặt khả năng cơ động tự do trong không chiến tầm thấp. Sức mạnh của lực lượng KQHQ, bao gồm cả không quân tên lửa, không quân cường kích và không quân tiêm kích sẽ được tăng cường gấp nhiều lần nếu hiệp đồng tác chiến với hệ thống phòng không hạm đội.

Phòng không trên biển chính là chiếc lá chắn hiệu quả nhất ngăn chặn các đòn tấn công tầm xa vào hạm đội, buộc đối phương – không quân địch phải bay vào vòng không chiến tầm gần, đồng thời là là chắn cho các đội bay của máy bay mang tên lửa chống tàu, các đội bay cường kích và chống ngầm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong các chiến hạm từ khu trục hạm đến tàu hộ tống phòng không tên lửa, thì mô hình dự án tàu hộ tống phòng không tên lửa dự án thiết kế 20380 của Nga vẫn được đánh giá là dự án có tính thuyết phục nhất cho phòng không hải quân.

Tính năng đa nhiệm của nó, phương pháp sử dụng các tên lửa phòng không phóng thẳng đứng với đa dạng tên lửa cho phép đánh chặn các mục tiêu trên không từ tầm xa đến tầm gần, kết hợp với máy bay tiêm kích hải quân, các vũ khí phòng không tầm gần như Palma, "Pantsir-S1" sẽ tạo ra một lưới lửa phòng không dày đặc trên biển, yểm hộ và chi viện hỏa lực cho không quân hải quân mang tên lửa, mang bom có điều khiển hoàn thành nhiệm vụ, hoặc che chắn cho lực lượng KQHQ chống ngầm hoàn thành tốt công việc được giao.

Trong tương lai, với sự lớn mạnh không ngừng của Hải quân và KQHQ, có thể KQHQ sẽ là lực lượng chủ lực chiến đấu tiến công tầm xa và phòng ngự bờ biển, hải đảo trong các cụm chiến hạm phòng không cơ động trên biển lớn. Trong thế trận phòng thủ chung của đất nước, của từng vùng biển, sẽ hình thành các cụm Phòng không – Không quân hải quân cấp chiến thuật, đảm nhiệm bảo vệ biên giới biển, hải đảo và những lợi ích chính đánh của quốc gia, dân tộc.

Từ sự hình thành lực lượng KQHQ đầu tiên, những cơ sở căn bản về lý luận và thực tiễn phát triển và sử dụng KQHQ (Phòng không Hải quân và Không quân Hải quân) sẽ dần được nghiên cứu và xây dựng nhằm đưa vào thực tiễn, xác định đúng vị trí, vai trò của không quân Hải quân, theo những quan điểm mới, hiện đại về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trên biển, yêu cầu nhiệm vụ của Không quân Hải quân trong điều kiện thời bình và thời chiến.

Có thể trong 10 – 15 năm tới, từ những bước đi đầu tiên, Không quân hải quân sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ với đầy đủ các đơn vị theo biên chế hiện đại và những đóng góp của KQHQ trong sự nghiệp bảo vệ biển trời Tổ quốc sẽ vô cùng lớn lao, không thua kém những lực lượng én bạc trong quân chủng không quân nhân dân Việt Nam và những chiến hạm tuy nhỏ mà dũng mãnh của lực lượng Hải quân.

Do bản thân KQHQ có được những tính năng rất quan trọng của tác chiến hiện đại: khả năng cơ động rất cao, khả năng nhanh chóng tập trung lực lượng vào những hướng quan trọng, khả năng nhanh chóng phục hồi năng lực chiến đấu và quay trở lại khu vực tác chiến (nhanh chóng bổ xung vũ khí trang bị, hậu cần kỹ thuật), khả năng chiến đấu hiệu quả trong mọi môi trường – trên không, trên biển, dưới biển, ven biển.

Đồng thời mọi đơn vị trinh sát – cảnh báo sớm – chỉ huy trên không, không quân tên lửa, không quân chống ngầm, không quân tiêm kích, không quân cường kích, không quân vận tải và y tế, kỹ thuật, hậu cần sẽ đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc.

T.T.B

Trịnh Thái Bằng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/quoc-phong/chien-luoc-chien-thuat/khong-quan-hai-quan-viet-nam-dai-bang-thep-tren-bien-dong-34249.html