Không phải SV nào tốt nghiệp cũng có việc làm, kể cả Harvard

Không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay cả ĐH Harvard cũng vậy, vì cần thời gian tiếp cận thực tiễn - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Là người chất vấn đầu tiên với Bộ trưởng GD-ĐT, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề cập đến đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

ĐB Dương Minh Ánh. Ảnh: Hoàng Anh

"Với mục tiêu ban đầu đến năm 2020, đa số thanh niên VN tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, học tập làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa phương hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân VN.

Tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, giai đoạn 2008 - 2015 đã chi hết 5.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn, với nhiều giải pháp mà Bộ GD-ĐT đã nêu trong báo cáo, Bộ trưởng có khẳng định với những biện pháp đó đến 2020, dự án có đạt mục tiêu như mong muốn không, hay số phận của nó cũng như 5 dự án không đạt hiệu quả như CP trình?", ĐB đặt câu hỏi.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Minh Quang

Theo ĐB Ánh, về khung năng lực ngoại ngữ, việc đòi hỏi trình độ ngoại ngữ với học sinh sinh viên cao hơn nhiều so với giảng viên, như vậy liệu có logic đảm bảo yêu cầu hội nhập hay không?

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, về đề án dạy học ngoại ngữ không đạt được mục tiêu.

Ông lý giải, dạy và học ngoại ngữ có tính chất lâu dài, đây là nhiệm vụ không chỉ trước kia, bây giờ mà còn tiếp tục liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

"Để đạt mục tiêu như đề án mong muốn, cần thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án đưa ra lộ trình và quyết tâm cao, nhưng thực hiện gặp vấn đề về chuẩn bị, thời gian, kinh phí, nhưng chúng tôi nhận trách nhiệm, là khi xây dựng đề án phải hết sức thiết thực, khả thi, bám sát thực hiện', Bộ trưởng nói.

Ông cho biết, gần đây rà soát để điều chỉnh về cách tiếp cận sau đó mới mục tiêu. Đề án không phải chịu trách nhiệm đào tạo ngoại ngữ cho tất cả đối tượng vì như thế không khả thi.

Chương trình nội dung phải thống nhất, biên soạn hệ thống, trong đó tính hội nhập quóc tế chứ không phải biên soạn theo năng lực các thầy các cô.

Tập trung đào tạo cho giáo viên, vì trước đây khâu này chưa chuẩn bị kỹ nên khi tực hiện gặp khó khăn.

"Phương thức để tổ chức giảng dạy không nhất thiết phải có bằng cấp mà ai cũng có quyền và được hưởng thành quả hội nhập, được học. Do đó thiết kế phương thức được thiết kế phù hợp, đặc biệt nhấn mạnh xã hội hóa, là tâm điểm tạo ra môi trường, động lực".

Theo Bộ trưởng, với cách tiếp cận đó đã điều chỉnh lại và sắp tới trình Chính phủ. Cũng cần thấy rằng giai đoạn đầu thực hiện đề án đã đạt được nhiều kết quả.

ĐB Hồ Thị Minh. Ảnh: Minh Quang

ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Hiện cả nước có 191 nghìn sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm. Trong khi đó, các địa phương vẫn còn nhiều trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục đào tạo gây mất cân đối giữa cung và cầu. Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh lãng phí kinh phí và nguồn lực? Có nên duy trì cách thức đào tạo như hiện nay hay không?

Cũng đề cập tình trạng này, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này.

ĐB Cao Thị Xuân. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay ông rất trăn trở về số sinh viên ra trường không có việc làm.

"Tuy nhiên, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay cả ĐH Harvard cũng vậy, vì cần thời gian để tiếp cận thực tiễn, phải đào tạo bổ sung thì mới thích ứng được với điều kiện thực tiễn. Kiến thức, kỹ năng trong nhà trường hết sức quan trọng, để sinh viên ra trường không phải mất thời gian để đào tạo lại. Nếu phải đào tạo lại thì rất lãng phí, rất nguy hiểm bởi họ đã được đào tạo những thứ không có ích", Bộ trưởng nói.

Ông cho biết, trong tổng số sinh viên các trường ĐH ra trường hàng năm, khoảng 80% là có việc làm. Vậy mỗi năm có khoảng 60 em thất nghiệp rồi. Phần lớn sinh viên có việc làm ngay rơi vào nhóm các trường top trên, những trường có bề dày kinh nghiệm.

Phần lớn sinh viên chưa có việc làm, thất nghiệp lâu rơi vào nhóm các trường yếu hoặc mới thành lập.

"Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này. Tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh mạnh về mạng lưới các trường ĐH, áp dụng các chuẩn để bảo đảm chất lượng trường để làm sao những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém thì được hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc trở thành một trường thành viên của một ĐH lớn", Bộ trưởng nói.

Ông cũng cho biết, không nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng lên ĐH. Không nhất thiết học sinh phải học gần nhà. Quy hoạch các trường ĐH, các trường lớn ở các thành phố lớn hoặc quy hoạch theo vùng miền.

"Chúng tôi đã làm việc với VCCI, với DN để có sự đào tạo lại các sinh viên ra trường. Đặc biệt siết chặt hơn nữa, cả đầu vào và đầu ra. Vừa rồi tôi đã chỉ đạo tất cả các trường ĐH phải báo cáo số lượng sinh viên thất nghiệp. Và tới đây, trong mùa tuyển sinh tới, nếu trường nào không báo cáo, báo cáo không đúng, hoặc số lượng sinh viên thất nghiệp cao chúng tôi sẽ mạnh dạn (dù giao quyền tự chủ cho các trường về chỉ tiêu) có những cách hạn chế việc này".

Ngay sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, một ĐB đứng lên đề nghị tranh luận lại: “191 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm. Bộ GD-ĐT có lỗi hay không? Tôi nghĩ Bộ trưởng có lỗi và nên thừa nhận lỗi này trước QH. Cần phải nhấn mạnh lỗi lớn nhất là đào tạo không ngắn với nhu cầu. Quy hoạch các trường ĐH chưa hợp lý”.

Hồng Nhì

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-phung-xuan-nha-le-vinh-tan-dang-dan-339984.html