Không phải lỗi của riêng ai

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đang đối diện với bài toán nan giải: các bảng cân đối tài chính quốc gia đang bị xáo trộn, nghĩa vụ trả nợ cao, áp lực chi lớn do nguồn thu suy giảm và đặc biệt do tăng trưởng kinh tế chậm lại không như dự báo.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến nguồn thu suy giảm. Ảnh: THÀNH HOA

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tuần này, đã có sự bất đồng xảy ra khi Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép nâng mức trần nợ Chính phủ từ 50% GDP lên 55% GDP.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ra lo lắng: “Chính phủ đề nghị nợ Chính phủ sẽ nâng từ 50% GDP lên 55% GDP... nhưng Chính phủ cũng cho rằng nếu GDP không đạt thì trần nợ công sẽ lên 70% GDP. Như vậy có đảm bản an ninh tài chính quốc gia không?”.

Sự gợi mở của ông Hiển như là cơ hội để Bộ trưởng Tài chính trút nỗi lo lắng: “Có rất nhiều ý kiến trong Chính phủ (về nâng trần nợ). Có ý kiến nói nâng trần nợ công để tăng nguồn lực, tăng đầu tư... nhưng cá nhân tôi không ủng hộ từ đầu đến cuối, tôi rất quyết liệt”. Với tinh thần đó, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị, trong tổng số chi khoảng 2 triệu tỉ đồng cho đầu tư phát triển trong năm năm tới, cần giữ lại 10% để làm dự phòng trong trường hợp thu không đạt.

Ông giải thích, với tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,7% mỗi năm, GDP sẽ đạt khoảng 28 triệu tỉ đồng trong 5 năm tới. Trên nền tảng đó, chi đầu tư sẽ vào khoảng 2 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, tính toán này là không chắc chắn. Ông giải thích: “Để dự báo chắc chắn số thu của năm năm 2016-2020 là rất khó do giá dầu, các chính sách giảm thu và các rủi ro khác. Vì thế, phải tính toán chi đầu tư rất chặt chẽ. Nếu giờ cứ chia hết, năm năm sau sẽ lĩnh hậu quả, nợ đọng còn lớn hơn bây giờ. Chi đầu tư cho năm năm chắc chắn phải là định hướng, nếu không sau bốn năm sau nữa, chúng ta nhìn lại bức tranh sẽ vô cùng khó khăn, nhất là tình trạng dự án dàn trải, dở dang, nợ đọng... sẽ vô cùng hệ trọng. Trong Chính phủ tôi cũng báo cáo vậy, và nay tôi báo cáo thật ý kiến của cá nhân tôi”. Ông Dũng cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa kịp làm kế hoạch đầu tư công trung hạn ba năm, và xin trình kế hoạch này vào năm 2018 do chưa có thời gian hướng dẫn toàn quốc.

Trên thực tế GDP trung bình cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,91%. Tuy nhiên, các cân đối về chi ngân sách đều gắn với kế hoạch 6,5-7%. Điều này làm bội chi lên rất cao 6,6%, 6,33% trong các năm 2013, 2014.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển hỏi lại ngay: “Điều đầu tiên là Bộ trưởng Tài chính nói chưa chắc chắn. Vậy thì kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính năm năm được bố trí đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu?... Quốc hội phải dựa vào báo cáo của Chính phủ mà Chính phủ chưa chắc chắn thì Quốc hội chắc chắn sao được!”. Ông Hiển cho rằng, lẽ ra Chính phủ phải tính toán các kịch bản tăng trưởng khác nhau.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đáp: “Kế hoạch tài chính năm năm là định hướng. Cá nhân tôi coi cái 2 triệu tỉ này là mức cao nhất, là phương án cao nhất”.

Tính toán của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại phiên họp khiến Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lo lắng. Là Bộ trưởng Đầu tư, ông Dũng phải lo thiết kế các chương trình đầu tư trung hạn, dài hạn, mà nếu căn cứ tài chính không rõ ràng, không có kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì làm sao giải trình với các bộ, ngành và địa phương.

Sau khi nghe Bộ trưởng Tài chính giải thích, Bộ trưởng Đầu tư tỏ ra không bằng lòng. Ông nói: “Những lo ngại của Bộ Tài chính là có lý do về an toàn tài chính, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ. Tuy nhiên, nói về kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải theo Luật Đầu tư công. Luật đã quy định thì chúng ta phải theo, không thể lùi được nữa. Đây là đề xuất chính thống của Chính phủ, ý kiến của Bộ trưởng Tài chính là cá nhân thôi”. Ông Nguyễn Chí Dũng nói thêm: “Nếu không xây dựng được kịch bản thì không thể thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng. Như vậy là lại ăn đong hàng năm, không thể nhìn tổng thể năm năm tới chúng ta đạt được gì, nguồn lực ra sao, phân bổ thế nào”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính vẫn giữ quan điểm và nhìn sang Bộ trưởng Đầu tư, ông nói: “Anh (Nguyễn Chí Dũng - NV) có khẳng định với Quốc hội là năm năm tới tăng trưởng bình quân 6,75%/năm hay không? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể khẳng định được, nên chúng tôi phân vân là vì vậy. Chính phủ báo cáo hôm nay vẫn là định hướng 5 năm. Luật Ngân sách Nhà nước là luật gốc, còn Luật Đầu tư công là luật chuyên ngành, vì vậy phải theo luật gốc. Nếu tôi báo cáo đầu tư công là 2 triệu tỉ đồng, các đồng chí bố trí đúng 2 triệu tỉ, sau đó bị hụt đi thì ai chịu trách nhiệm?”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, con số 2 triệu tỉ đồng dự kiến cho đầu tư xây dựng cơ bản gồm TPCP, vay nợ nước ngoài, bán DNNN là con số cao nhất có thể. Ông tán thành quan điểm phải giữ lại 10% trong số đó dự phòng để đến cuối kỳ mà tình hình sáng sủa thì mới được tiêu. Ông Hiển cũng xin Quốc hội lùi thời gian cho Chính phủ trình kế hoạch đầu tư trung hạn ba năm đến năm 2018 do Luật Ngân sách mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017.

Đoạn hội thoại trên cho thấy, chi ngân sách nhà nước cho đầu tư trong năm năm tới dự báo sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, mức tăng trưởng dự báo mỗi năm là 6,7-6,75% là cao và khó khả thi. Vì vậy mọi tính toán chi tiêu cần phải cẩn trọng. Đây là điều rất cần thiết khi nhìn lại cách xây dựng kế hoạch năm năm trước. Ban đầu, GDP được khẳng định sẽ tăng trung bình 7-7,5%, sau đó được điều chỉnh giảm còn 6,5-7%. Song, trên thực tế GDP trung bình cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,91%. Tuy nhiên, các cân đối về chi đều gắn với kế hoạch 6,5-7%. Điều này làm bội chi lên rất cao 6,6%, 6,33% trong các năm 2013, 2014 là các năm đã được Quốc hội quyết toán. Một nền tài chính lỏng lẻo, được xây dựng trên kịch bản tăng trưởng quá cao, lại luôn được bật đèn xanh không phải “lỗi” của riêng ai.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152814/khong-phai-loi-cua-rieng-ai.html/