Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo Đại học

GD&TĐ - Nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức trong việc cải tiến các chương trình đào tạo Đại học (ĐH), ngày 2/6 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trường ĐH Nha Trang, Viện Khoa học và Đổi mới công nghệ và Trường ĐH Bang Arizona phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Phát triển chương trình đào tạo ĐH.

Nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra

Đây là hội thảo chuyên sâu về vấn đề đào tạo nhân lực bậc ĐH nên đã thu hút 150 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề quan trọng đã được mổ xẻ, kiến giải như: Xây dựng chuẩn đầu ra; Vai trò của các bên liên quan trong phát triển chuẩn đầu ra; Vai trò của các chủ thể - mối quan hệ giữa các bên trong khung trình độ quốc gia; Niềm tin của người học và doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục ĐH; Đánh giá chuẩn đầu ra…

PGS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang -
trình bày tham luận tại hội thảo

Nhìn vào thực tế giáo dục bậc ĐH ở Việt Nam, PGS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, khẳng định: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Hội nhập cũng đồng thời đặt giáo dục Việt Nam trước một áp lực lớn là phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng được nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao không chỉ tại thị trường lao động ngoài nước mà còn ngay tại thị trường lao động Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tháng 10 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc gồm 8 bậc trình độ từ Sơ cấp cho đến Tiến sĩ.

Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ. Khung trình độ quốc gia Việt Nam là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đào tạo, phát triển chương trình và là thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu cũng nhất quán quan điểm: Với Khung trình độ quốc gia VN hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0 đã làm gia tăng nhanh chóng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới. Do đó, phải thay đổi, cập nhật, phát triển chương trình liên tục và cần làm rõ chuẩn đầu ra.

TS. Kathy Wigal - Phó Giám đốc Đổi mới chương trình - Trường ĐH Arizona, nhấn mạnh: Đào tạo chuẩn đầu ra cho nhân lực bậc ĐH cũng là thước đo chất lượng cơ sở đào tạo. Muốn được thế phải liên tục có cọ sát, trau dồi với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. ĐH Arizona (ASU) là trường quy chuẩn quốc tế, đã và đang cọ sát với các chương trình đào tạo kỹ thuật ở Việt Nam thông qua nhiều dự án hợp tác giáo dục. Trước mắt sẽ triển khai mạnh ở TPHCM và Hà Nội. Các chương trình hợp tác này sẽ xây dựng triển khai chính sách cấp trường; việc đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ được áp dụng theo nhu cầu người học và xã hội. Từ các cải tiến này, chất lượng đầu ra sẽ nâng cao.

Phát huy niềm tin người học

Hầu hết các đại biểu quốc tế và trong nước đều cho rằng: Niềm tin cũng là cách giúp người học phấn đấu tiếp cận các tri thức mới, tự tin để hòa nhập với cuộc sống hiện đại.

Các đại biểu tham gia hội thảo

ThS. Đặng Thị Mai Trang đến từ Viện Kế toán và công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales cho rằng, muốn tạo được niềm tin cho người học phải trang bị được đầy đủ kỹ năng cho họ. Trong đó cốt lõi là kỹ năng xử lý nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh mới, với sự thay đổi trong môi trường sống, môi trường làm việc. Yếu tố quyết định cho các nhà tuyển dụng lựa chọn không gì khác đó là kỹ năng, là năng lực rèn luyện và nâng cao tính chuyên nghiệp, tính linh hoạt.

Chia sẻ về thực trạng đào tạo bậc ĐH ở Việt Nam, TS. Đinh Hồng Lương – (Trường ĐH Nha Trang) nhấn mạnh: Chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ khiến nhụt chí người học. Đồng thời, đưa ra giải pháp củng cố niềm tin người học rằng: Việc gắn kết giữa nhà trường với nhà tuyển dụng mang lại nhiều lợi ích nên cần có sự kết hợp chặt chẽ. Hiện nay học tập trực tuyến đang là một xu hướng, phải chấp nhận. Đó là xu hướng của thế giới tạo nên niềm tin cho người học.

Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo (Trường ĐH Tây Bắc) đưa ra nhiều kiến giải rằng: Nhà quản lý là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận dụng tri thức người học. Thế nên cần có sự kết hợp hài hòa giữa lao động và người sử dụng lao động. Các giảng viên không đáp ứng được nhu cầu đổi mới, tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến thì sẽ cản trở việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc ĐH. Đây cũng là quan điểm được nhiều địa biểu thống nhất.

Ở khía cạnh cải tiến chất lượng giảng viên trong các trường ĐH, TS. Ngô Minh Ngọc đến (Trường ĐH Arizona) đưa ra nhận định: Phải nhận ra rằng cần có chế độ khen thưởng, tôn vinh kịp thời những giá trị sáng tạo thực sự bắt nhịp theo cuộc sống. Điều đó sẽ kích thích giảng viên tự nguyện nâng cao chất lượng của mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khong-ngung-nang-cao-chat-luong-dao-tao-dai-hoc-3375558-v.html