Không nghỉ hậu sản có được đi làm ngay

Bạn N.T.H hỏi: Tôi là viên chức nhà nước. Sau khi sinh con, sức khỏe mẹ và bé tốt, tôi muốn đi làm mà không nghỉ hậu sản có được không và có được hưởng chế độ không?

Sau khi sinh con, tôi muốn đi làm luôn thì có được hưởng chế độ không? Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trả lời: Khoản 4, Điều 157 Bộ Luật Lao động quy định như sau: Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ và được người sử dụng lao động (NSDLĐ) đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do NSDLĐ trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH. Do đó, bạn phải nghỉ thai sản ít nhất 4 tháng mới được đi làm lại.

Bạn đọc có số điện thoại 0963664xxx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động hỏi: Nếu đi làm và có đóng BHXH đầy đủ thì được hưởng bao nhiêu lần chế độ thai sản (CĐTS)?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng CĐTS: 1. NLĐ được hưởng CĐTS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này mà chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng CĐTS theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1, điều 39 của luật này. Như vậy, nếu bạn có đóng BHXH đầy đủ và đủ điều kiện thì được hưởng CĐTS mà không giới hạn số lần được hưởng.

Bạn đọc có số điện thoại 0869617xxx gọi đến đường dây nóng Văn phòng TVPL Báo Lao Động hỏi: Bà nội tôi đang hưởng trợ cấp xã hội (TCXH) hàng tháng 180.000 đồng. Bố tôi mất, bà tôi được hưởng trợ cấp tử tuất trên 500.000 đồng/tháng, UBND xã cắt trợ cấp 180.000 đồng đó có đúng không?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điểm b, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về đối tượng hưởng TCXH hàng tháng như sau: Người cao tuổi (NCT) thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) NCT thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ TCXH hàng tháng; b) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, TCXH hàng tháng; c) NCT thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.

Do bà bạn đã nhận được trợ cấp tử tuất (một loại trợ cấp BHXH) của bố bạn hàng tháng, do đó bà bạn sẽ không được hưởng TCXH hàng tháng nữa.

N.Dương - Q.Hùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/khong-nghi-hau-san-co-duoc-di-lam-ngay-673540.bld