Không nên thỏa hiệp với tình trạng kêu oan sai sự thật!

Vĩnh Linh

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng kêu oan hàng loạt, không đúng quy định pháp luật diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương. Ai có vướng mắc với pháp luật hoặc đứng trước vành móng ngựa đều nhất mực lên tiếng... kêu oan hay trường hợp Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng cũng kêu oan. Tuy nhiên, không phải ai kêu oan cũng đúng hoặc bị thiệt thòi, quyền lợi bị xâm phạm. Vậy tại sao nhiều người biết rõ mình vi phạm pháp luật vẫn không ngừng... kêu oan?

Trước hết, chúng ta có thể khẳng định rằng oan sai thời nào, xã hội nào cũng có nhưng hiện tượng kêu oan theo kiểu phong trào, kêu oan “hàng loạt” thì hiện nay mới có, mới phổ biến. Điều đáng nói ở đây là nhiều sự việc, hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật tuy đã quá rõ ràng, với nhân chứng, vật chứng đầy đủ, nhưng các đối tượng vẫn cứ kêu oan, yêu cầu cứu xét đến rất nhiều nơi, nhiều cấp... Mục đích của nhiều đối tượng kêu oan là nhằm “gây nhiễu”, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước, người thực thi pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân và sự tôn nghiêm của pháp luật.

Ví dụ, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, theo đó yêu cầu một cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại, trả nợ... do hành vi vi pháp luật của mình gây ra hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do không thực hiện đúng các thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết trước đó. Tuy việc phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan là đã quá rõ ràng, cụ thể nhưng nhiều người vẫn cố tình dây dưa, trốn tránh nghĩa vụ bằng cách... tiếp tục kêu oan. Điều này đã trực tiếp gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, cản trở cơ quan thực thi pháp luật, người có thẩm quyền.

Đành rằng việc xem xét, giải quyết thấu đáo các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích của công dân, tổ chức là rất cần thiết, phải đặt lên ưu tiên hàng đầu trong quản lý, điều hành đất nước. Tuy nhiên đối với các trường hợp hành vi vi phạm đã rõ ràng, đã được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết một cách khách quan, đúng pháp luật thì cần được triển khai thực hiện triệt để, nghiêm minh. Do đó, các cơ quan chức năng phải tạo ra tiền lệ là tuyệt đối không thỏa hiệp, không chùn bước với những hành vi trốn tránh nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Đặc biệt, không vì những lý do không chính đáng hoặc lợi dụng việc kêu oan để cố tình trì hoãn thực hiện nghĩa vụ, trốn tội, trốn trách nhiệm gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân. Đồng thời, coi đó như biện pháp hữu hiệu dẹp bỏ tình trạng cố tình kêu oan không đúng, kêu oan để chối tội khá phổ biến ở nước ta hiện nay.

(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_155925_khong-nen-tho-a-hie-p-vo-i-ti-nh-tra-ng-keu-oan-sa.aspx