Không nên hình sự hóa hoạt động kinh tế

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ngày 21/10.

Rút kinh nghiệm sâu sắc

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm đã rà soát hết được các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót khác. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện, không làm thay đổi các chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót khác.

ĐB Quốc hội đoàn TP Hà Nội Nguyễn Quốc Bình tham gia thảo luận tại tổ

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đều đề nghị Quốc hội cho phép thông qua Dự án Luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua) do Dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều do Chính phủ trình. Bên cạnh đó, Dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường, danh mục hàng cấm, số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy…

Mặt khác, điều này nhằm rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Hơn nữa, việc thông qua Dự án Luật tại 2 kỳ họp của Quốc hội không làm ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội đã được quy định tại Nghị quyết số 144/2015/QH13 của Quốc hội Khóa XIII.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ, theo đó không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội.

Không nên hình sự hóa hoạt động kinh tế

Cho ý kiến tại tổ về Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh: Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung lần này đã “chỉnh” đến 141 điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 mà cũng chưa phải đã hết. Riêng phía Bộ Công an đã soát được khoảng 30 vấn đề liên quan đến hàng trăm điều của Bộ luật ban hành năm ngoái cần tiếp tục sửa đổi. Đây là những vấn đề rất phức tạp, khó khăn. Dù Tờ trình của Chính phủ thể hiện quan điểm nghiêng về phương án đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi lần này trong một kỳ họp nhưng cá nhân Bộ trưởng Công an cho rằng nên thực hiện theo phương án thận trọng, tuân theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp, bởi đây là một cơ hội để lần nữa sửa căn cơ Bộ luật Hình sự năm 2015 chứ không chỉ dừng ở phạm vi “sửa đổi, bổ sung một số điều”.

Đồng tình với quan điểm này, các ĐB Nguyễn Quốc Bình, Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Quốc hội cần bàn thảo kỹ, không nóng vội thông qua trong một kỳ họp. Hai ĐB cũng đề nghị không nên quá hình sự hóa các hoạt động kinh tế, gây khó khăn cho DN. “Đơn cử như việc kê khai thuế chậm, chỉ nên xử phạt hành chính, vì quản lý thuế là cả một chu trình và Luật thuế cũng đã có những quy định rõ rồi” - ĐB Bình nói. Bên cạnh đó, ĐB cho rằng cần tính toán việc “xử lý hình sự pháp nhân thương mại” cho kỹ, tránh tình trạng chưa đủ điều kiện áp dụng.

Trọng Nghĩa

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-nen-hinh-su-hoa-hoat-dong-kinh-te-258028.html