Không nên “đặt cược” cho tiến trình Brexit

Cuối tuần qua, tân Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố bà sẽ kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3-2017, đưa nước Anh đi theo hướng tiến tới thực thi việc rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không nên “đặt cược” cho tiến trình này.

Ông David A. Welch, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đổi mới quản trị quốc tế, cho rằng không nên quá hi vọng vào việc thực thi tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh, còn gọi là Brexit. Theo chuyên gia này, kể từ khi các cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU với số phiếu sít sao 51,9% ủng hộ “ra đi” so với 48,1% ủng hộ “ở lại” trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây hơn ba tháng, hiện gần như không có tiến triển thực sự nào để tiến tới thực thi Brexit. Điều này không quá ngạc nhiên. Chưa một quốc gia thành viên nào rời khỏi EU, bởi vậy chưa có mẫu hình nào để Anh đi theo. Việc chuẩn bị một danh sách những việc cần làm là một nhiệm vụ đầy khó khăn với London, trong bối cảnh Anh đã kết hợp mọi luật lệ, quy tắc và hệ thống để quản lý các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người. Một khi được tiến hành, Brexit sẽ là vụ “ly hôn” phức tạp nhất mọi thời đại.

Thủ tướng Theresa May có cửa tránh Brexit

Các cử tri ủng hộ Brexit muốn được hưởng lợi từ kết quả bỏ phiếu của họ: đó là giành được sự độc lập lớn hơn khỏi Brussels, cả về mặt biểu tượng lẫn thực tế; được hoàn toàn kiểm soát vấn đề nhập cư; thoát khỏi sự ràng buộc về tài chính và tiếp tục tiếp cận thị trường chung EU. Tuy nhiên, hiện đã rõ rằng đây chỉ là điều mơ tưởng. Giới chức EU và những nhà lãnh đạo các nước thành viên EU khẳng định rằng Anh sẽ không được nhận sự đối đãi đặc biệt nào. Hơn nữa, Anh phải kích hoạt Điều khoản 50 trước khi họ đàm phán về các thỏa thuận hậu Brexit. Điều này khiến các nhà lãnh đạo Anh gần như “mù tịt” về loại thỏa thuận nào mà họ có thể đàm phán và họ chỉ có 2 năm để đạt được chúng một khi họ được thông báo.

Thủ tướng Theresa May đã phản đối Brexit trước khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và không bày tỏ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà đã thay đổi quan điểm kể từ đó. Giống như bất kỳ chính trị gia hiểu biết nào khác, bà không thể phớt lờ ý nguyện của các cử tri, nhưng bà biết rõ rằng Brexit sẽ mang lại hậu quả tồi tệ cho nước Anh, và đặc biệt là sẽ rất tồi tệ với bản thân bà.

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như vào tháng 3-2017, thay vì kích hoạt Điều khoản 50, bà May kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để bà có quyền không phải thực hiện “nghĩa vụ Brexit” nữa. Bà có thể thuyết phục rằng sẽ không có một thỏa thuận Brexit có lợi nào và các cử tri ủng hộ Brexit đã bỏ phiếu trên cơ sở không có đủ thông tin chính xác và giờ đây họ có quyền suy nghĩ lại. Bà có thể tránh nguy cơ một cuộc trưng cầu ý dân lần hai với việc nhấn mạnh rằng việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử là “phương thức truyền thống” để Chính phủ Anh tìm kiếm sự ủy thác từ các cử tri.

Lời kêu gọi bầu cử sẽ khiến đảng đối lập xáo trộn. Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn sẽ hoàn toàn không thể đề xuất một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Và nhiều người ủng hộ đảng Quốc gia Scotland (SNP) - vốn mong muốn ở lại EU hơn là giành độc lập - sẽ bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ để loại bỏ khả năng Brexit. Kết quả của những động thái này là bà Theresa May có thể giành đa số phiếu, lãnh đạo thời kỳ bùng nổ kinh tế lớn nhất của Anh thời hậu chiến và ghi tên vào lịch sử với tư cách vị Thủ tướng vĩ đại nhất kể từ thời Winston Churchill vì đã cứu nước Anh và EU khỏi “đại họa” gần như chắc chắn xảy ra.

Thủ tướng Theresa May vẫn có cửa tránh Brexit. Ảnh tư liệu

Brexit tạo động lực cho cải cách EU

Trong khi đó, đối với EU, Brexit sẽ tạo động lực thực sự cho việc cải cách liên minh này, hướng tới xây dựng một mô hình dân chủ và linh hoạt hơn. Theo chuyên gia Lucas Bergkamp thuộc Hãng luật Hunton&Williams, mặc dù London không có ý định đưa ra các quyết định chính thức về lộ trình rời khỏi EU cho tới tháng 3-2017, nhưng Brussels đã bắt đầu chuẩn bị cho quá trình đàm phán với nước Anh. Nhằm hạn chế hiệu ứng của vấn đề Brexit, các nhà lãnh đạo EU đang muốn "trừng phạt" và đưa ra một thỏa thuận cứng rắn đối với nước Anh. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đang thúc đẩy tiến trình hội nhập nhanh và sâu rộng trong liên minh thông qua việc củng cố lại liên minh này. Tuy nhiên, các đề xuất này chưa giải quyết được vấn đề thực sự hiện nay. Đó là EU cần rút ra được bài học sau Brexit về sự thiếu vững chắc của nền tảng hình thành liên minh. Và để thúc đẩy hội nhập nội khối và tiếp tục phát triển, EU cần tiến hành các cải cách một cách sâu rộng.

Theo chuyên gia Lucas Bergkamp, EU thực ra đang gặp phải các vấn đề về cấu trúc. Mặc dù những vấn đề này đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ qua nhưng đến nay các cải cách cơ bản vẫn đang gặp bế tắc. EU đã tồn tại dựa trên "chức năng tưởng tượng" là gìn giữ hòa bình một cách quá lâu. Ý tưởng sai lầm về việc EU, chứ không phải tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đảm bảo cho hòa bình ở châu Âu được củng cố với giải Nobel Hòa bình năm 2012. Để giải quyết vấn đề thiếu dân chủ trong liên minh, EU đã cho phép tiến hành bầu cử trực tiếp Nghị viện châu Âu nhưng không trao quyền lập pháp đầy đủ cho cơ quan này. EU cũng vận dụng hệ thống dân chủ trực tiếp dựa trên sự tham gia của người dân vào quá trình lập pháp. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, điều này chỉ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Những vấn đề tồn tại về cấu trúc của EU hiện nay liên quan tới thái độ đối với nền dân chủ. Kết quả trưng cầu dân ý vừa qua ở Anh đã cho thấy những người có trình độ học vấn thấp dễ bị chi phối bởi chủ nghĩa dân túy. Bên cạnh đó, ở nước này cũng luôn có các chính trị gia sẵn sàng "lợi dụng" các mối quan tâm và nỗi sợ hãi của người dân. Vì vậy, EU cần thiết phải chống lại "xu hướng dân túy" trong nền dân chủ của các nước thành viên. Tuy nhiên, xu hướng này rất khó nhận biết bởi các chính trị gia không theo chủ nghĩa dân túy cũng sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền khác nhau.

Khuynh hướng chống lại dân chủ trong EU tiếp tục tạo ra các vấn đề phức tạp. Ủy ban châu Âu vẫn duy trì quyền chi phối đối với các hoạt động lập pháp. Nghị viện các nước thành viên không có quyền trong việc thông qua hay phủ quyết đối với luật và quyết định của EU, trong khi Nghị viện EU không thể đại diện một cách thực chất cho các nghị viện của những quốc gia thành viên. Mặc dù quyền lực thực sự được cho là đang thuộc về chính phủ các nước thành viên EU, nhưng các nước nhỏ hơn cảm thấy họ không có nhiều ảnh hưởng đối với quá trình ra quyết định của EU và do đó thường có xu hướng "chỉ trích Brussels" trước bất kỳ luật hay quyết định nào của liên minh mà không nhận được sự ủng hộ của nghị viện các nước này.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các cuộc gặp của "bộ ba EU," gồm Ủy ban, Hội đồng và Nghị viện châu Âu thường được tổ chức theo hình thức "họp kín." Sự thiếu minh bạch, hạn chế sự tiếp cận và giám sát của công chúng càng khiến các cơ quan lãnh đạo của EU bị cô lập. Hơn nữa, quan điểm của EU về quá trình ra quyết định theo mô hình "một cho tất cả" còn vi phạm nguyên tắc "đa dạng về chính trị". Quyền lập pháp đã bị chuyển từ các nghị viện được bầu một cách dân chủ sang các chính phủ hành pháp. Giải pháp cho vấn đề này rất rõ ràng: trả lại quyền lực cho người dân và những người đại diện của họ.

Để tiếp tục phát triển, EU cần hướng tới một mô hình dân chủ và linh hoạt hơn. Theo đó, EU cần khẳng định sự tồn tại và phát triển không phải bằng việc tăng cường thêm quyền lực mà thông qua việc đưa ra cho cử tri các giải pháp đúng đắn và sâu sắc trong giải quyết những vấn đề chung. Trong một mô hình như vậy, các nước thành viên sẽ bị ràng buộc bởi các thỏa thuận của liên minh về việc đảm bảo sự tự do lưu thông hàng hóa, vốn đầu tư, dịch vụ... và việc hình thành thị trường chung EU.

Tuy nhiên, nghị viện mỗi nước thành viên có quyền quyết định triển khai các chính sách của EU hoặc là không. Mô hình này sẽ cho phép các nước thành viên chỉ thông qua các quyết định của EU nếu thấy có lợi cho người dân nước mình. Điều này phù hợp với nguyên tắc của EU hiện nay, đồng thời thể hiện được trách nhiệm đối với nguyện vọng của người dân trong nước hơn là việc chỉ thúc đẩy lợi ích của đa số. Mô hình nghị viện các nước thành viên EU ra quyết định dựa trên nguyên tắc tự nguyện thông qua luật và các quyết định của EU sẽ khôi phục địa vị của các cơ quan này, đồng thời đem lại cho người dân các nước này cảm giác "lá phiếu của họ được trân trọng." Rõ ràng, những người ủng hộ vấn đề Brexit đã đem lại cho EU một cơ hội quan trọng. Họ đã tạo động lực cho các nước thành viên EU trong việc tiến hành những cải cách khó khăn về cấu trúc.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quoc-te/khong-nen-dat-cuoc-cho-tien-trinh-brexit-119821