Không nên chủ quan với chấn thương của Tuấn Anh

Không thể chữa theo phác đồ điều trị chích thuốc, tiền vệ Tuấn Anh cần trở lại Thái Lan để mổ gối nếu không muốn sự nghiệp sớm gặp trắc trở

Tuấn Anh chỉ mong bình phục chấn thương càng sớm càng tốt

Sau 2 tuần trở về trung tâm Hàm Rồng ở Gia Lai để tập luyện, chấn thương của Tuấn Anh chưa có dấu hiệu bình phục. Đầu gối phải của tiền vệ quê Thái Bình vẫn đau mỗi khi cử động. Tình trạng này nếu không mổ sớm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự nghiệp của tiền vệ trẻ tài năng này.

Theo phác đồ điều trị của bác sĩ từ Thái Lan, sau 1 tháng tập luyện, nếu chấn thương của Tuấn Anh không thuyên giảm sẽ phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm. Trước đó, trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2016, tiền vệ người Thái Bình đã được chữa trị bằng hàng loạt biện pháp khác nhau. Ở Nhật, bác sĩ của CLB Yokohama đã khẳng định sau 1 tháng, nếu tình hình không ổn sẽ phải mổ.

Về hội quân cùng tuyển Việt Nam, bác sĩ Đồng Xuân Lâm cho Tuấn Anh tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để đẩy nhanh tiến trình hồi phục. Phương pháp tiêm PRP được ứng dụng nhiều trong y học thể thao nhưng không phải chấn thương nào cũng có tác dụng, nhất là khi xương, sụn tổn thương nặng. Hậu quả thấy rất rõ ràng, Tuấn Anh phản ứng thuốc, chân bị phù và phải tiêm kháng sinh.

Ngày 24-11, sau khi sang Myanmar và thấy chân sưng to hơn, Tuấn Anh chủ động xin được rời đội tuyển trở về nước. Sau đó tiền vệ người Thái Bình được CLB HAGL đưa sang Thái Lan để khám và điều trị chấn thương gối. Tuấn Anh vẫn nuôi hy vọng không phải phẫu thuật, bởi nếu lên bàn mổ, tiền vệ của HAGL sẽ phải nghỉ thi đấu từ 3 đến 6 tháng mới có thể trở lại tập luyện.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên về cơ khớp của bệnh viện 115 (TP HCM), nếu tiếp tục trì hoãn mà không tiến hành mổ gấp, Tuấn Anh khó mà giữ được sự nghiệp. “Những chấn thương về sụn gối không phức tạp nếu điều trị đúng phác đồ hoặc tiến hành mổ ngay khi thấy không có kết quả khi chích thuốc. Tôi không trực tiếp chữa trị nhưng theo dõi thông tin thì rõ ràng, sự nghiệp của tài năng trẻ này đang bị mạo hiểm”, bác sĩ của bệnh viện chia sẻ.

Nếu phải nghỉ thi đấu từ 3-6 tháng để bình phục hoàn toàn chấn thương thì ngay lúc này, Tuấn Anh cần phải được tạo điều kiện mổ gối vì tháng 8 năm 2017, SEA Games sẽ khởi tranh. Mà Tuấn Anh lại là nhân tố có thể quyết định U23 Việt Nam có đủ sức cạnh tranh tấm HCV theo cam kết HLV Hữu Thắng đề ra hay không?

Anh Dũng - Ảnh: Hải Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/khong-nen-chu-quan-voi-chan-thuong-cua-tuan-anh-20161210122829589.htm