Không nên chủ quan với bệnh viêm não Nhật Bản

Bước vào mùa mưa, giai đoạn khoảng tháng 7, tháng 8, là mùa phát triển của bệnh viêm não Nhật Bản, trước tình hình bệnh viêm não Nhật Bản B (VNNB) diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Tây, Trung tâm y tế dự phòng TP Cà Mau chỉ đạo các trạm y tế xã phường tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kịp thời xử lý khi bệnh bùng phát thành dịch.

Ra quân phun thuốc khử trùng tại các hộ gia đình, phòng chống bệnh Viêm não Nhật Bản B

Vào giai đoạn mùa hè, mưa nhiều, người dân ở vùng nông thôn bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, đặc biệt là những đàn lợn ở hộ gia đình. Do ý thức của người dân chưa cao, chuồng trại quy mô nhỏ lẻ không được phun thuốc khử trùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành virus VNNB trong tự nhiên, từ đó dẫn đến sự lây truyền virus VNNB sang người và tạo thành dịch ở cộng đồng.

Dễ bùng phát thành dịch

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau; Trung tâm y tế dự phòng TP Cà Mau ban hành các công văn cho khoa kiểm soát dịch bệnh, các trạm y tế xã phường triển khai công tác phòng chống bệnh VNNB ngay từ đầu năm, nhằm hạn chế các ca mắc; dự trù kinh phí, hóa chất, trang thiết bị, sẽ xử lý kịp thời, triệt để khi có ca mắc xảy ra.

Bác sĩ Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Cà Mau cho biết, bệnh VNNB là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus VNNB, lây truyền từ một số loại động vật có vú và loài chim sang người do muỗi truyền. Bệnh chủ yếu gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, dễ dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề, đặc biệt đối với trẻ em.

Điều trị ca mắc VNNB B tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau

Bí quyết trị dứt mất ngủ mãn tính của vị giáo sư nổi tiếng

Phát hiện thảo dược "Đặc trị" Đờm, Ho, Hen suyễn, COPD lâu năm

Hiện nay, ổ chứa mầm bệnh trong thiên nhiên của bệnh VNNB là một số loài chim hoang dã như chim, cò, tu hú… Các loài chim di trú đó có thể mang virus mầm bệnh từ vùng này qua vùng khác. Trong số các loài động vật có vú thì loài lợn là vật chủ chính cho quá trình khuyếch đại virus, là ổ chứa quan trọng và cũng là nguồn truyền nhiễm chính cho người. Lý do vì lợn có tỷ lệ mang virus VNNB là rất cao, thời gian mang kéo dài và còn vì loài muỗi Culex truyền VNNB rất thích hút máu lợn. Lợn nhiễm virus thường lây truyền cho các động vật khác và cả con người.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Cà Mau, từ đầu năm đến nay ghi nhận 80 ca mắc bệnh tay chân miệng , 88 ca mắc sốt xuất huyết ; hiện nay bệnh VNNB B đã xuất hiện ở những nơi lân cận TP Cà Mau, nguy cơ bùng phát thành dịch là rất cao, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin cho trẻ. “Các bậc phụ huynh hãy đưa tất cả trẻ em từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi đến trạm y tế xã phường để tiêm ngừa, phòng bệnh VNNB đủ 3 mũi; sau đó tiêm nhắc lại 3 năm đến khi trẻ được 15 tuổi. Việc tiêm vacsin VNNB B đúng lịch, đủ liều là biện pháp dự phòng có hiệu quả và khả thi nhất”. Bác sĩ Phạm Hồng Quân thông tin.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay ghi nhận 7 trường hợp hội chứng não cấp (VNNB B). Theo Bác sĩ Trần Thiên Lý, Trưởng khoa Hồi Sức tích cực – Chống độc Nhi, bệnh VNNB có khả năng tử vong rất cao, nếu 1000 ca Viêm não thì khoảng 100 ca VNNB B, theo thống kê trẻ mắc VNNB B là dưới 10 tuổi, 90% là trẻ không tiêm ngừa.

Phần lớn người bị nhiễm virus VNNB B đều ở thể ẩn, chỉ rất ít có triệu chứng lâm sàng, với thể hiện rất đa dạng, thay đổi từ nhẹ như cảm cúm thông thường đến nặng và rất nặng, gây tử vong. Cứ 1 trường hợp điển hình thì có khoảng 200 đến 300 thể ẩn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số này giao động từ 20 – 1.000 trường hợp thể ẩn/1 điển hình.

Bác sĩ Trần Thiên Lý cho biết thêm: “Biểu hiện của bệnh VNNB là bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như là: Sốt, đâu đầu, nôn ói…; hội chứng thần kinh là rối loạn ý thức nhiều mức độ khác nhau như: Trẻ li bì, lơ mơ và nặng nữa là rối loạn thần kinh là suy hô hấp, suy tuần hoàn. Về vấn đề điều trị thì hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chỉ hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều trị triệu chứng và điều trị chống bội nhiễm”.

Nếu được chuẩn đoán sớm, điều trị tích cực có thể hạ chế tử vong, nhưng tỷ lệ để lại di chứng của VNNB B thường khá cao. Khoảng 30% số bệnh nhân sống sót có rối loạn vận động; khoảng 20% rối loạn nhận thức và ngôn ngữ, 20% xuất hiện động kinh muộn. Di chứng của bệnh nhi thường chiếm tỷ lệ cao hơn người lớn mắc bệnh.

Để phòng chống bệnh VNNB B và các bệnh khác ở trẻ trong 6 tháng cuối năm 2017. “Tăng cường tuyên truyền trên trạm phát thanh xã phường các biện pháp phòng chống VNNB; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ca mắc, xử lý kịp thời, triệt để, tránh lây lan trong cộng đồng; nhân viên y tế ấp khóm vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đến các trạm y tế để tiêm đủ liều VNNB theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trong năm học mới 2017 – 2018, sẽ phun hóa chất tất cả các điểm trường trên địa bàn TP. Bác sĩ Phạm Hồng Quân nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Thiên Lý lưu ý, người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, ổ bọ gạy, lăng quăng; chuồng trại chăn nuôi phải dời ra xa nhà. Do muỗi Culex thường hoạt động về đêm, vì vậy các bậc phụ huynh cần mắc màng cho trẻ khi ngủ, nhất là ở các vùng nông thôn; vệ sinh trong ăn uống. Khi trẻ có dấu hiệu như: Sốt cao liên tục, đau đầu, nôn ói, rối loạn ý thức… thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị và theo dõi. Quan trọng nhất là các bậc phụ huynh đưa con em mình đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh.

Nhật Minh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khong-nen-chu-quan-voi-benh-viem-nao-nhat-ban-n134245.html