Không mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt

Tôm thẻ chân trắng chủ yếu được thả nuôi tại các tỉnh ven biển, nhưng gần đây, nhiều hộ dân tại Đồng Tháp đã đào ao, mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt.

Ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký văn bản chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác giám sát, không cho người dân mở rộng diện tích nuôi mới tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.

Người dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Ảnh CTV.

Tôm thẻ chân trắng chủ yếu được thả nuôi tại các tỉnh ven biển, nhưng gần đây, nhiều hộ dân tại Đồng Tháp đã đào ao, mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt. Những hộ dân này khoan cây nước (giếng) tìm nguồn nước ngầm và rải muối xuống ao nhằm tăng độ mặn để thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Trên địa bàn Đồng Tháp, có khoảng 150 ha diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại huyện Tam Nông. Đây cũng là địa phương được quy hoạch nuôi tôm càng xanh (tôm nước ngọt), nhưng trên diện tích này, người dân thả nuôi tôm nước lợ.

Nhiều nhà khoa học khuyến cáo, Đồng Tháp là vùng lõi ngọt của đồng bằng. Việc thả nuôi tôm nước lợ, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái. Tôm thẻ chân trắng vốn có mầm bệnh, rất dễ lây lan...

Ông Châu Hồng Phúc cho biết: tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tăng cường, giám sát vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản. Người dân sau khi thu hoạch, không khuyến khích thả nuôi lại. Đồng thời, giao Sở KH&CN phối hợp với Sở NN-PTNT thực hiện đề tài nghiên cứu về việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Từ đó, đánh giá khả năng thích ứng, so sánh hiệu quả kinh tế, sự ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, môi trường đất (nguy cơ mặn hóa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp), môi trường sinh thái, đa dạng sinh học…

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/khong-mo-rong-dien-tich-nuoi-tom-nuoc-lo-trong-vung-nuoc-ngot-452686/