Không ký vào biên bản xử phạt vi phạm giao thông bị xử lý thế nào?

Việc tôi không ký vào biên bản xử phạt vi phạm giao thông thì biên bản đó có hiệu lực không? Và nếu vẫn có hiệu lực thì xử phạt thế nào.

Đầu tháng 5 vừa rồi, tôi có điều khiển xe máy vi phạm lỗi đi sai làn đường và bị cảnh sát giao thông Hà Nội dừng xe, xử phạt.

Tại thời điểm đó, cảnh sát giao thông kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm nhưng tôi không ký vào biên bản đó.

Sau đó, cảnh sát giao thông có giữ lại bằng lái xe của tôi. Vậy, việc tôi không ký vào biên bản xử phạt giao thông thì biên bản đó có hiệu lực không? Và nếu vẫn có hiệu lực thì xử phạt thế nào?

Thêm vào đó, cảnh sát giao thông không đưa giấy hẹn mà chỉ nói ngày đến đóng phạt. Nếu tôi lên đóng phạt trong khoảng thời gian đó thì có lấy được bằng lái xe không?".

Phạm Tuấn Anh

Về vấn đề bạn Tuấn Anh hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:

- Theo quy định được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, Điều 9 của Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính Phủ, đối với hành vi điều khiển xe máy vi phạm: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố sẽ bị phạt từ 200.000 - 400.000 đồng.

Đối với việc vi phạm xảy ra tại khu vực nội thành của TP, mức xử phạt sẽ tăng lên 400.000-800.000 đồng.

Ảnh minh họa.

- Theo quy định hiện hành, việc bạn có hành vi vi phạm giao thông nhưng không ký vào biên bản xử lý vi phạm được cơ quan chức năng lập thì bạn vẫn sẽ bị xử phạt, cụ thể, theo quy định tại khoản 2, 3 điều 58 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2012:

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản.

Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Theo phản ánh của bạn ở đây, chúng tôi có thể hiểu, việc bạn không ký biên bản đồng nghĩa với việc bạn không có một bản biên bản được cảnh sát giao thông giao cho, cũng như giấy hẹn đến lấy giấy tờ mà cảnh sát giao thông đang tạm giữ.

Về việc này bạn có thể làm như sau:

- Tìm hiểu xem, cảnh sát giao thông đã xử lý vi phạm của bạn thuộc đơn vị nào.

- Bạn làm một bản tường trình, nêu thông tin về bản thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú (nếu có), thông tin về xe (biển số xe, các loại giấy tờ mà cảnh sát giao thông đã tạm giữ, quá trình vi phạm và bị dừng xe, xử lý ở đâu, thời gian nào, trình bày lý do không ký/không lấy biên bản vi phạm, cam đoan cam kết,...

- Sau đó, mang bản tường trình ra Công an xã/phường nơi thường trú/tạm trú xin xác nhận.

- Mang bản tường trình, kèm theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe... đến đơn vị nơi tạm giữ giấy tờ của bạn để làm thủ tục, ở đó họ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn.

AloBacsi.vn
Theo Soha/ Tri thức trẻ

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.vn/20130531062946515p0c393/khong-ky-vao-bien-ban-xu-phat-vi-pham-giao-thong-bi-xu-ly-the-nao-.htm