Không kích trúng tang lễ: Arap Saudi hành động giống Mỹ?

Theo NY times, ngày 8/10, các máy bay chiến đấu của liên quân do Arap Saudi dẫn đầu đã tấn công trúng một tang lễ ở Nam Sanaa, thủ đô của Yemen.

Cuộc không kích khiến hơn 140 người chết, hơn 525 người bị thương.

Ông Jamie McGoldrick - Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Yemen cho biết, các nhà hoạt động nhân đạo ở Yemen đang "bị sốc và bị xúc phạm" bởi các cuộc không kích.

Đồng thời, ông lên án mạnh mẽ "vụ tấn công khủng khiếp" này và nhắc tất cả các bên rằng theo luật nhân đạo quốc tế họ có nghĩa vụ bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Ông kêu gọi một cuộc điều tra ngay lập tức về vụ không kích.

"Cộng đồng quốc tế cần gây áp lực và ảnh hưởng với tất cả các bên tham gia vào cuộc xung đột phải đặt tiêu chí bảo vệ thường dân lên hàng đầu, đảm bảo an toàn cho họ. Những vụ bạo lực chống lại dân thường ở Yemen phải dừng ngay lập tức", Jamie nhấn mạnh.

Cuộc không kích khiến hơn 140 người chết, hơn 525 người bị thương

Liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Yemen cho biết trong cuộc họp báo trước đó rằng, các máy bay chiến đấu của liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu chịu trách nhiệm vụ này.

Thời điểm đó, al-Argaly thông tin rằng số người thiệt mạng là 82 và bị thương 534 nhưng đây chưa phải là con số chưa chính thức.

Mục tiêu bị không kích là đám tang ông Sheikh Ali al-Rawishan, cha của Galal al-Rawishan - Bộ trưởng Nội vụ của phe phiến quân Houthi của người Shiite. Nhóm này đang chống lại Tổng thống Yemen được quốc tế công nhận là Abed Rabbo Mansour Hadi.

Trong số những người thiệt mạng và bị thương có các quan chức quân sự, an ninh của phiến quân Houthi và những người trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saled. Đặc biệt, tướng Abdul-Qader Hilal, người đứng đầu hội đồng địa phương ở Sanaa thiệt mạng còn ông Galal Al-Rishwan trọng thương.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót và thu thập hàng trăm bộ phận cơ thể rải rác trong và ngoài hội trường tang lễ. Một nhân viên cứu hộ đã phải thốt lên rằng: "Nơi đây đã trở thành một hồ máu"

Ông Mohammed Abdul-Salam, người phát ngôn của phiến quân Houthi giận dữ lên án cuộc không kích trên bà gọi hành động này là hành động "diệt chủng".

Nhà Trắng cũng lên tiếng rằng vụ không kích trên buộc Mỹ bắt đầu xem xét lại sự hỗ trợ dành cho liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu.

Học từ Mỹ?

Không rõ đây có phải là một cuộc không kích do ''nhầm lẫn'' hay không nhưng trước đó, hồi cuối tháng 9/2015, hai vụ không kích của liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu nhắm đến mục tiêu là phiến quân Hồi giáo dòng Shiite của Yemen nhưng thực tế lại tấn công nhầm vào một đám cưới của người dân địa phương gây thương vong nghiêm trọng.

Địa điểm xảy ra vụ việc là tại làng al-Wahga, ngôi làng gần eo biển chiến lược Bab al-Mandab, vốn vẫn không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đang tàn phá đất nước Yemen. Nhà chức trách Yemen cho biết thêm vụ không kích cũng khiến ít nhất 40 người bị thương.

Tuy nhiên, một quan chức cao cấp trong chính phủ Yemen khẳng định vụ tấn công này là một ''sự nhầm lẫn''.

Việc không kích nhầm cũng thường xuyên diễn ra tại Syria, mới đây hôm 17/9, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích vào quân đội Syria làm 62 binh sĩ thiệt mạng và 100 người khác bị thương.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ phụ trách giám sát các chiến dịch không kích ở Iraq và Syria cho biết: "Các lực lượng liên quân tin rằng họ đang tấn công một cứ điểm của IS mà họ đã theo dõi suốt một thời gian dài"

Quân đội Syria gọi cuộc tấn công này là một "hành vi gây hấn nghiêm trọng và trắng trợn" và là một "bằng chứng có thể kết luận" rằng Mỹ và đồng minh đang hỗ trợ phiến quân IS.

Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja’afari cho rằng cuộc không kích này "không phải là sai lầm mang tính kỹ thuật của Mỹ", mà là hành động cố ý nhằm "hủy hoại lệnh ngừng bắn".

Hồi tháng 10/2015 quận đội Mỹ cũng thực hiện vụ không kích vào bệnh viện của "Tổ chức Bác sĩ không biên giới" (MSF) ở thành phố Kunduz, Afghanistan khiến ít nhất 42 người thiệt mạng.

Quân đội Mỹ khẳng định rằng, vụ không kích vào bệnh viện ở Kunduz là một sự nhầm lẫn chứ không phải một tội ác chiến tranh. Nguyên nhân của vụ việc do cả lỗi của con người, quy trình và máy móc.

Ngay sau khi xảy ra vụ viện, ông Obama đã gọi điện cho giám đốc MSF Joanne Liu thừa nhận vụ ném bom Bệnh viện MSF ở thành phố Kunduz thuộc miền bắc Afghanistan khiến 22 người thiệt mạng là ''một sai lầm''.

Có quá nhiều sự ''nhầm lẫn'' trong các cuộc tấn công của Mỹ hay là đồng minh của Mỹ - Arap Saudi. Điều này khiến giới phân tích cho rằng, phải chăng Arap Saudi đang hành động giống như Mỹ trong việc thoái thác trách nhiệm sau những gì mình đã gây ra.

Hà Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/khong-kich-trung-tang-le-arap-saudi-hanh-dong-giong-my-3320451/