Không kê biên, đương sự tẩu tán tài sản

Công an chỉ giữ bản sao giấy đăng ký chiếc sà lan gây án nên người chủ đã bán, né thi hành án.

Công an tỉnh Bến Tre đang xem lại việc Công an huyện Châu Thành trả chiếc sà lan - phương tiện gây án cho ông Nguyễn Văn Hết, ngụ xã Phước Đông, huyện Cần Đước (Long An) để ông này đem bán cho người khác. Vì việc trả tài sản này nên khi tòa tuyên án, buộc ông Hết bồi thường dân sự hơn 1,75 tỉ đồng cho người bị hại và người liên quan thì ông không còn tài sản để thi hành.

Đêm 24-12-2009, sà lan của ông Hết đâm vào sà lan của ông Trương Minh Sơn (ngụ xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre) đang đậu bên bờ sông Tiền, làm sà lan ông Sơn chìm cùng gần 210 tấn gạo. Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) xác định lỗi hoàn toàn do sà lan của ông Hết nên khởi tố vụ án, khởi tố tài công, người làm công và tạm giữ chiếc sà lan của ông Hết để điều tra.

Chưa tới hai tháng sau vụ tai nạn (2-2010), trong khi công an đang điều tra thì ông Hết làm đơn xin nhận lại sà lan với cam kết không chuyển nhượng cho người khác. Cùng với lý do “không có bến bãi, không người trông coi...” nên Công an huyện Châu Thành trả lại sà lan, chỉ giữ giấy chứng nhận đăng kiểm (đến thời điểm gây án đã hết hạn - PV), bằng lái của tài công, bản phôtô (có chứng thực) giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy của sà lan do ông Hết đứng tên.

Hơn một năm sau khi nhận lại sà lan, ông Hết đã mang bán cho người khác.

Sau nhiều lần xét xử, tháng 4-2012, TAND tỉnh Bến Tre phạt tài công và người làm công sà lan của ông Hết mỗi người sáu năm tù. Tòa cũng buộc ông Hết phải bồi thường cho gia đình ông Sơn 400 triệu đồng, bồi thường số gạo bị mất, bảo hiểm… tổng cộng hơn 1,75 tỉ đồng.

Án có hiệu lực nhưng cơ quan thi hành án không thể thi hành phần dân sự vì sau khi bán chiếc sà lan, ông Hết không còn tài sản để cưỡng chế thi hành án.

Một thẩm phán TAND tỉnh Bến Tre cho rằng Công an huyện Châu Thành trả sà lan là sai. Lẽ ra cơ quan điều tra phải làm thủ tục kê biên tài sản, gửi thông báo về địa phương để đảm bảo thi hành án… trước khi giao trả sà lan theo Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc công an giữ bản phôtô giấy chứng nhận đăng ký phương tiện mà không giữ bản chính, xem như công an nắm đằng lưỡi.

Lý giải việc chỉ giữ bản sao giấy chứng nhận chiếc sà lan, ông Châu Thành Chiến, Phó Trưởng Công an huyện Châu Thành, nhìn nhận: Công an có sai sót nhưng do ông Hết cung cấp giấy xác nhận đang thế chấp bản chính giấy đăng ký ở ngân hàng nên công an huyện không thu giữ được?!

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, cho biết sẽ xem xét xử lý nghiêm nếu cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành sai sót trong việc trả sà lan.

TÂM PHÚC

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130121015427775p0c1015/khong-ke-bien-duong-su-tau-tan-tai-san.htm