Không được thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã ký ngay Chỉ thị số 20. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.

Chỉ thị số 20 được Thủ tướng ký ngay tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp sáng 17/5 kéo dài hơn so với dự kiến gần 1 tiếng đồng hồ. Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Tinh thần là chuyển lời nói thành hành động. Các doanh nghiệp nói rất nhiều đến kiểm tra, thanh tra chồng chất gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi đã bàn với các anh trong Chính phủ ra ngay Chỉ thị không được thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Nếu có thanh tra đột xuất trực tiếp vụ việc thì không được mở rộng. Chỉ thị số 20 sẽ được ký trong ngày hôm nay”.

Ngay sau những câu kết luận đầu tiên của Thủ tướng, các doanh nghiệp, đại biểu tham dự đã vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tiếp: “Tôi muốn nói với các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ là xây dựng được tốt không chỉ có kinh doanh, năng lực cạnh tranh cao, môi trường kinh doanh tốt, phấn đấu không chỉ tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với cả kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh".

Đánh giá về bức tranh kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã có nhiều điểm sáng như doanh nghiệp các nước Mỹ, Nhật... vẫn không ngừng mở rộng đầu tư vào nước ta. Việt Nam đang phấn đấu nằm trong tốp đầu ASEAN về đầu tư môi trường kinh doanh. Những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhiều rào cản phát triển doanh nghiệp, chúng ta đã nhận diện được vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Như lúc sáng tôi đã nói, chúng ta đạt kết quả bước đầu đáng được động viên, khích lệ với các tỉnh, các thành viên Chính phủ. Nhưng chúng ta cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này, những điểm cơ bản các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra tại hội nghị này”.

Thủ tướng phát biểu: “Nhân đây, tôi nói luôn, tinh thần các vị nêu, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu. Đó là phải xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch dễ dàng áp dụng…

Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để chúng ta có môi trường tốt hơn và như tôi nói, chúng ta phải phấn đấu đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách.

Việc thứ hai còn tồn tại mà quý vị đã nói là thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được”.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi rất mừng vì hôm nay đồng chí Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đặc biệt là đồng chí Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng bộ Công an đều nói rằng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là Hiến pháp, quyền thực thi pháp luật, cụ thể hóa càng phải nhấn mạnh đến quyền này của người dân, của doanh nghiệp, đặc biệt của người kinh doanh.

Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến trên đất nước ta. Tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay.

Nhân đây, Chính phủ cũng rất mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Thưa quý vị, như cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tôi muốn nhắc lại câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Chúng ta phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

Với tinh thần đó, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các vị đã dành thời gian đến dự cuộc họp quan trọng này. Chúng ta chúc cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/khong-duoc-thanh-tra-doanh-nghiep-qua-1-lannam-a325938.html