Không để xe khách bỏ bến chạy dù

Việc điều chuyển luồng vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định giữa các bến xe (BX) trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua tuy gây ảnh hưởng một bộ phận doanh nghiệp (DN) vận tải, người dân, nhưng đã làm giảm đáng kể tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông nội đô. Đến nay, đã có gần 80% số xe khách thực hiện việc điều chuyển, nhưng vẫn còn không ít nhà xe bỏ bến mới để chạy chui, đón khách dọc đường gần bến cũ, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Khó nhưng vẫn phải làm

Theo kế hoạch phân luồng tuyến xe khách liên tỉnh của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đến ngày 10-1, các nhà xe phải hoàn thành việc chuyển sang bến mới. Sau ngày 10-1, các nhà xe không thực hiện theo quy định sẽ bị cắt “nốt”, chạy sai luồng tuyến sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Trong đợt điều chuyển luồng tuyến lần này, đến nay cơ bản các bến đã tiếp nhận đầy đủ các tuyến xe theo đúng kế hoạch, một số BX như Giáp Bát, Gia Lâm và Mỹ Đình đã tiếp nhận 100% số xe. Tuy nhiên, các BX Nước Ngầm, Yên Nghĩa còn khá nhiều xe chưa về hoạt động. Nguyên nhân do đến thời điểm này, một số người dân vẫn chưa quen tuyến mới, nhiều người không chịu mất thêm tiền đi ta-xi, xe ôm gần bằng tiền vé để đến bến mới trong khi bến cũ lại gần nhà, dẫn đến tình trạng chung của các xe hoạt động tại hai bến này khá ít khách, gần như xe nào xuất bến cũng chỉ có vài khách. Điều này đã làm nảy sinh tình trạng một số xe khách vẫn cố tình chạy sai tuyến, “vợt” khách đứng bắt xe dọc đường trên tuyến cũ thay vì đón khách tại bến đã được phân.

Trưa ngày 17-1 vừa qua, tìm hiểu tại khu vực gần BX Mỹ Đình (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy, lác đác xuất hiện tình trạng một số xe khách tuyến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa trước đây về bến Mỹ Đình, lẽ ra phải về BX Nước Ngầm đón trả khách nhưng vẫn cố tình chạy lòng vòng khu vực các điểm rẽ lên cầu vượt vành đai 3 Hà Nội, gần BX Mỹ Đình, đường Phạm Hùng (đoạn trước cổng Trung tâm Hội nghị quốc gia) và trước tòa nhà Viglacera gần nút giao Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, do đây là những đoạn thường xuyên có người chờ xe. Tương tự, trên đường vành đai 3, đoạn qua nút giao Nguyễn Trãi, nhiều xe khách tuyến Thanh Hóa, Nghệ An,… chỉ cần chạy qua chốt kiểm soát của cảnh sát giao thông là lại vô tư tạt vào lề đón, trả khách ngay trên đường. Một số nhà xe như Hoàng Chinh, Quang Dũng, Ngân Sơn chạy tuyến Thanh Hóa còn bóc chữ Mỹ Đình dán trên kính xe thay bằng chữ chung chung là Thanh Hóa - Hà Nội để qua mặt lực lượng chức năng.

Lân la tìm hiểu cánh lái xe khách tại BX Mỹ Đình được biết, vẫn còn nhiều nhà xe chạy tuyến cố định các tỉnh phía nam không chuyển về BX Nước Ngầm. Trong số đó, một nửa tạm dừng hoạt động, một nửa chuyển sang hoạt động chui. Những xe này đỗ tại các bãi đỗ tạm ở khu vực Mỹ Đình, rồi chờ người theo dõi các lực lượng chức năng “bắn” tin. Khi nhận tin lực lượng chức năng đi khỏi, các xe lập tức chạy qua bến Mỹ Đình và khu vực lân cận để “vợt” khách. Sở dĩ có tình trạng các xe khách vẫn cố tình chạy chui là do việc bị điều chuyển về bến xe mới không bảo đảm được lượng khách cho mỗi chuyến do đã có một lượng khách quen tại bến cũ, chưa kể đến những chi phí phải bỏ ra cho mỗi chuyến vượt quá số tiền thu lại.

Bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân

Bà Nguyễn Thị Thảo, đại diện nhà xe Minh Thảo (Thanh Hóa) bức xúc bày tỏ: “Xe khách 45 chỗ của chúng tôi mỗi ngày mất khoảng bốn triệu đồng chi phí dù không hoạt động, nhưng nếu hoạt động còn tốn kém hơn nữa do từ khi chuyển về BX Nước Ngầm, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được khoảng 10 vé, chưa kể tiền phí bến bãi,... Chúng tôi rất lo việc điều chuyển không bảo đảm lợi ích kinh doanh sẽ khiến chúng tôi phá sản”. Tìm hiểu thêm được biết, nhà xe Minh Thảo đã từng đưa xe về BX Nước Ngầm kinh doanh từ nhiều năm trước nhưng thua lỗ liên tục nên buộc phải chuyển về BX Giáp Bát. Sau đó, theo sự vận động của Sở GTVT Hà Nội, nhà xe này đã về hoạt động tại BX Mỹ Đình từ những ngày đầu tiên. “Hiện nay, lộ trình của nhà xe không đi xuyên tâm thành phố. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét cho chúng tôi nhằm bảo đảm lợi ích cho khách hàng và DN” - bà Thảo cho biết thêm.

Trong đợt điều chỉnh này, BX Nước Ngầm là bến có lượng xe sẽ tăng gấp đôi số xe so trước đây. Ghi nhận tại BX Nước Ngầm thời điểm này, lượng xe và khách đều tăng, nhưng không quá đông, việc bố trí các khu chức năng và dịch vụ tại đây cũng rất hợp lý, nên không có cảnh chen lấn, ùn tắc trong và trước cửa bến. Tuy nhiên, sau điều chuyển cũng nảy sinh một số bất cập như có nhiều “nốt” xe cũ và mới bị trùng giờ xuất bến hoặc xuất bến quá sát giờ nhau. Riêng tuyến Hà Nội - Vinh, từ sáng sớm đến chiều tối, trung bình cứ 10 phút lại có một chuyến xuất bến. Trong khi quá nhiều nhà xe hoạt động mà lượng khách vẫn chưa được như kỳ vọng, cộng thêm lịch xuất bến quá dày khiến các nhà xe mỗi khi xuất bến đều rất ít khách.

Giám đốc BX Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho biết, hiện lượng hành khách đi các tỉnh phía nam đang dần quen với việc đến BX Nước Ngầm để bắt xe, hy vọng trong thời gian tới lượng khách sẽ ổn định. Đến nay còn khoảng 100 xe trong diện điều chuyển từ các nơi chưa về BX Nước Ngầm hoạt động, trong đó chủ yếu các tuyến xe đi Thanh Hóa, Ninh Bình và Thái Bình. Hiện việc sắp xếp vị trí đỗ chờ cho các “nốt” xe mới điều chuyển về BX Nước Ngầm đã xong. Với tần suất thiết kế đáp ứng 1.100 xe/ngày và với lượng 900 xe/ngày sau điều chỉnh, BX Nước Ngầm hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đón trả khách. Tuy nhiên, do BX Nước Ngầm nằm tại vị trí ngã ba cửa ngõ Thủ đô, đoạn Pháp Vân - đường Giải Phóng, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc nên việc tăng tần suất bến lên gấp hai lần so hiện nay cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng hơn. Vì thế, chúng tôi đang tính toán phân luồng, điều tiết xe ra vào bến một cách hợp lý.

Có thể thấy, việc điều chuyển các tuyến xe ban đầu dù có gây ra một số khó khăn nhất định đối với người dân và DN bởi phải thay đổi thói quen đi lại, đón trả khách, nhưng đây là chủ trương đúng đắn của Thủ đô. Để không xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai tuyến, đón khách sai quy định, làm giảm hiệu quả của chủ trương, các lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi của các DN vận tải hoạt động trong bến cũng như người dân. Đây cũng là giải pháp cần thiết để hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông trong nội đô, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với định hướng quy hoạch GTVT của thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31905302-khong-de-xe-khach-bo-ben-chay-du.html