Không để việc làm ảnh hưởng việc học

TTO - Hàng trăm ý kiến chia sẻ, những câu chuyện của các bạn đọc gửi về tuần qua tham gia diễn đàn có lẽ đã đủ để bạn Thu Trang tự mình trả lời được câu hỏi “Phụ thuộc ba má đến bao giờ” (TT ngày 28-7). Diễn đàn xin được khép lại với lời khuyên của một người cha, và của một doanh nhân, lẫn kinh nghiệm xương máu của những bạn sinh viên ham làm hơn ham học.

Diễn đàn: Sinh viên đi làm thêm: cần không? Sinh viên làm thêm sớm trưởng thành Tôi đồng ý cho con mình đi làm thêm vì các lý do sau: a. Việc đi làm thêm sẽ giúp con tôi có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí, học phí giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh. b. Con tôi có thêm kinh nghiệm sống và có thể áp dụng phần nào những gì đang học ở nhà trường với công việc làm thêm c. Con tôi sẽ hiểu rõ giá trị đích thực của đồng tiền do chính mình kiếm được. d. Việc đi làm thêm giúp con tôi có đầu óc tổ chức và sắp xếp thời gian học tập, đi lại, ăn uống sao cho hợp lý nhất, khoa học nhất và hiệu quả nhất để không có bất kỳ sự phí phạm nào về thời gian, tiền bạc, sức khỏe. e. Con tôi có thể tạo mối quan hệ với xã hội và cộng đồng để khi ra trường là có đủ bản lĩnh và tự tin trong giao tiếp, ứng xử trong môi trường làm việc. f. Kinh nghiệm tích lũy trong thời gian vừa học vừa làm sẽ là kinh nghiệm vô giá cho nghề nghiệp và cuộc sống sau này của con tôi. Tuy nhiên, tôi chỉ cho phép con mình đi làm thêm, khi: a. Việc làm thêm phù hợp hay gần giống ngành đang học. b. Thời gian làm thêm được lấy từ thời gian mà một sinh viên bình thường nếu không làm thêm sẽ dùng cho việc la cà quán cà phê tán dóc với bạn bè, chơi điện tử…. c. Việc làm thêm phải trong sáng không đụng chạm đến những quy phạm quy tắc về nền tảng xã hội, đạo đức và văn hóa. d. Việc làm thêm không vượt quá 1 khoảng thời gian nhất định (15-20g/ tuần) để không ảnh hưởng đến quỹ thời gian học tập nghiên cứu, sức khỏe. Tóm lại tôi đã nghiệm ra rằng việc vừa học vừa làm sẽ giúp cho cả phụ huynh lẫn con cái: Đỡ phần nào về mặt tài chính cho suốt chặng đường đại học và sau đại học. Con cái sẽ trưởng thành về mặt nhân cách, tự tin trong giao tiếp với cộng đồng, khôn khéo trong mọi ứng xử với mội trường sống và làm việc sau này. Và một lời khuyên dành cho các sinh viên đi làm thêm là: cần phải biết tự kiềm chế bản thân, đừng vì thấy mình kiếm được tiền khi còn đi học mà vội tự thỏa mãn lao vào những chi tiêu phù phiếm, đua đòi, dễ sa ngã. Học là nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên Qua công việc các bạn sẽ học được cách rèn luyện ý thức trách nhiệm, trách nhiệm không chỉ với bản thân các bạn mà là trách nhiệm với chính công việc bạn được giao, trách nhiệm với người giao công việc cho bạn và trách nhiệm với cả đồng nghiệp cùng làm chung một môi trường. Nhưng tôi luôn quan niệm mọi người phải xác định cho mình đâu là mục tiêu quan trọng trong mỗi giai đoạn cột mốc cuộc đời mình. Là một sinh viên, thì việc học là nhiệm vụ quan trọng nhất. Các bạn có thể đi làm thêm để mưu sinh, để có thêm kiến thức kinh nghiệm, để hiểu giá trị đồng tiền mình kiếm được nhưng đừng vì những vấn đề trước mắt mà quên mất lợi ích lâu dài và mục tiêu quan trọng nhất của mình trong giai đoạn này là Học. Khi tuyển dụng, tôi đánh giá cao những ứng cử viên có trách nhiệm với chính công việc của người đó. Với một sinh viên mới ra trường thì bằng cấp là giấy chứng nhận khả năng tư duy trong học tập, là sự thể hiện cho người tuyển dụng thấy được nỗ lực của bản thân trong công việc- “trách nhiệm đặc biệt“ mà SV được giao bởi cha mẹ, thầy cô, và chính bản thân mình. Một sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi với kinh nghiệm làm thêm chút ít chắc chắn sẽ có cách tiếp cận nhà tuyển dụng thuyết phục hơn một sinh viên chưa có kinh nghiệm, hoặc một sinh viên tốt nghiệp trung bình. TRÙNG NHÂN ghi Nếu kinh tế khá giả, hãy tập trung chuyện học Tôi hiện là sinh viên năm 3 của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Hồi còn học năm đầu, việc học không quá nặng nề nên tôi thường hay đi vòng vòng xung quanh quận Gò Vấp và nội thành Sài Gòn để biết đây biết đó. Sau khi rành đường sá, tôi cũng có ý định tìm cho mình một công việc làm bán thời gian để có kinh nghiệm. Cuối cùng tôi quyết định làm việc ở một nhà hàng gần trường, gia đình tôi không biết việc này và chắc chắn sẽ phản đối vì kinh tế gia đình tôi tương đối tốt để chăm lo việc học cho tôi. Công việc của tôi khá vất vả khi phải chạy bàn liên tục có khi từ 2 giờ chiều đến 11g đêm. Sau một thời gian, tôi quyết định nghỉ để tập trung học vì cảm thấy rất mệt mỏi và mất tập trung việc học. Bù lại tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm giao tiếp ứng xử và cách nhìn nhận vấn đề cũng khá hơn trước. Sau đó, tôi nhận ra rằng trừ khi kinh tế quá túng thiếu thì bắt buộc chúng ta phải mưu sinh, còn những ai có đủ điều kiện kinh tế thì hãy tập trung lo học hành vì đó tưực sự mới là con đường chắc chắn nhất. Nếu ai nói rằng đi làm thêm để kiếm thêm kinh nghiệm thì chỉ đúng một phần thôi vì không hẵn là chỉ có đi làm thêm mới có kinh nghiệm. Để biết nhiều về môi trường xung quanh hoặc có thêm kỹ năng giao tiếp thì hãy tìm những việc làm công ích vd như công tác xã hội, mùa hè xanh, hay tham dự những buổi chuyên đề học tập, hướng nghiệp, việc làm... Đi làm thêm tuy có nhiều cái lợi nhưng cái hại cũng không ít. Tôi đã chứng kiến không ít bạn bè tôi đã thất bại trong việc học vì mải mê làm thêm. Chắc chắn phụ huynh sẽ rất đau lòng khi nhìn thấy con cái mình sa sút việc học vì đồng tiền. riengmotgoctroi890@ Kinh nghiệm đau thương Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, chân ướt chân ráo lên thành phố học. Thấy nỗi nhọc nhằn của bố mẹ lam lũ ngoài đồng ruộng để chắt chiu, dành dụm từng đồng cho anh em tôi học hành, tôi thương bố mẹ vô cùng. Lên thành phố, tôi quyết tâm tìm việc làm. Ban đầu tôi làm phụ bàn quán ăn, chạy bàn đám cưới vào chủ nhật rồi đi phát tờ rơi... Những ngày đầu tiên cầm được những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi mà mình làm ra, tôi vui lắm và luôn động viên mình sẽ cố gắng hơn nữa. Rồi một ngày có một người tự giới thiệu đang làm ở một công ty, muốn mời tôi tham dự hội thảo để có việc làm. Tôi đến dự, rồi mới biết đây là công ty bán hàng đa cấp. Buổi hội thảo sao mà ngọt ngào với tôi lúc ấy thế. Khi người nhân viên hét lên số tiền mà bạn có thể kiếm được đến hàng triệu đồng, ngoài ra còn được đào tạo kỹ năng mềm miễn phí thì hình như mắt tôi mờ đi. Một sinh viên chân lấm tay bùn dưới quê lên đã bị chinh phục. Tôi theo người giới thiệu xuống đặt cọc 200.000 đồng. Sau khi về, tôi luôn bị hối thúc nhanh chóng đến đăng ký nếu không sẽ hết quyền lợi. Mặc cho những lời can ngăn của bạn bè, tôi vẫn đi vay cho đủ số tiền 1.800.000 đồng để được làm thành viên của công ty này. Sau khi gia nhập được hơn một tháng, tôi mới hiểu ra rằng: ở đây không đào tạo kỹ năng mềm gì hết mà họ chỉ bày cho tôi cái cách làm thế nào để “mời” một người khác vào công ty thì mình sẽ có hoa hồng. Ban đầu tôi cũng khá chật vật mới mời được một người bạn thân vào. Sau một tuần người bạn thân này nói là nhiều người phản đối quá nên xin rút hợp đồng và lấy lại tiền.Thương bạn, tôi đặt vấn đề với cấp trên và được họ trả lời là công ty không giải quyết cho vấn đề rút hợp đồng. Tôi đành ra về mà lòng nặng như chì. Sau một học kỳ theo cái nghề này tôi luôn bị chiếm phần lớn thời gian vào việc dự hội thảo, mời người vào công ty. Sức học của tôi sa sút hẳn. Không còn chăm chỉ lên lớp hay lên thư viện để nghiên cứu tài liệu nữa. Tôi lại ân hận và day dứt vô cùng khi bạn tôi đã bỏ học để đi làm phụ hồ. Sau này gặp lại tôi càng ân hận khi biết bạn tôi vay tiền để vào công ty nên bị người ta đòi dữ quá nên phải bỏ học kiếm tiền. Từ ngày vào công ty này, bạn bè luôn xì xào bàn tán coi tôi là kẻ lừa đảo và dần xa lánh tôi. Giữa thành phố không có người thân này lại làm tôi cô đơn lẻ loi vô cùng. Muốn tìm lại cái cảm giác thân mật, nói chuyện vô tư với bạn bè nhưng sao thấy khó quá. Tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tôi bỏ công ty bán hàng đa cấp, không lên giảng đường mà giam mình trong phòng mỗi ngày. Nghĩ về bố mẹ ở quê đang lam lũ nhiều lúc nước mắt lại trào ra. Có lúc tôi muốn bỏ quách việc học hành để đi làm công nhân cho cha mẹ bớt đỡ khổ. Nhưng trước những lời thăm hỏi và động viên của bố mẹ, tôi đã quyết tâm trở lại việc học hành chăm chỉ. Tôi tiếp tục bắt nhịp lại với cuộc sống như những sinh viên bình thường. Những gì đã trải nghiệm đó là bài học nhớ đời trong quá trình vượt lên số phận của chính mình. LÂM PHÚ

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/nhip-song-tre/393279/khong%c2%a0de-viec-lam%c2%a0anh-huong-viec-hoc%c2%a0%c2%a0.html