Không để VAMC đặc quyền đấu giá tài sản

Trong buổi họp cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được độc quyền tổ chức đấu giá và được quy định trong luật, giao Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Luật Đấu giá tài sản có điều khoản quy định này để VAMC được hưởng là chưa ổn. Để làm rõ hơn về vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào đối với đề xuất trao đặc quyền đấu giá cho VAMC trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản, theo đề xuất cho VAMC được đóng 2 vai trò: là người đứng ra bán tài sản và tổ chức đấu giá. Trước khi bàn về vấn đề này, cần phải nhìn vào thực trạng của việc đấu giá hiện nay. Mặc dù Luật Đấu giá đã có quy định rõ ràng, nhưng vấn đề tiêu cực “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá vẫn xảy ra.

Đồng thời, quy trình thủ tục thực hiện rất nhiêu khê cũng tác động tiêu cực trong đấu giá. Hơn nữa, ngay trong tổ chức đấu giá độc lập, niềm tin giữa con nợ và chủ nợ có tài sản thế chấp đang bị suy giảm. Do đó, khi VAMC đóng vai trò chủ nợ bán tài sản lại muốn có thêm quyền được tổ chức đấu giá sẽ khó được đồng tình. Đối với vấn đề đấu giá, nếu VAMC đóng vai trò là chủ nợ đi bán tài sản của con nợ, cần thông qua một tổ chức đấu giá độc lập để bảo đảm quyền của con nợ.

Trong buổi thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến cho rằng Luật Đấu giá tài sản có điều khoản quy định để VAMC, một doanh nghiệp mới thành lập được hưởng là vô lý. Tôi cho rằng đây là ý kiến xác đáng. Bởi hiện nay VAMC không bán tài sản được không phải do tổ chức này tự đấu giá hay thông qua tổ chức đấu giá độc lập, mà từ những vướng mắc khác.

Thứ nhất, trong pháp luật về dân sự chưa bảo vệ quyền của chủ nợ có tài sản thế chấp. Đây là vấn đề tôi đã đề cập nhiều lần. Theo đó, tắc nghẽn trong vấn đề bán tài sản thế chấp tại ngân hàng (NH) là quyền của chủ nợ chưa được bảo vệ, trong nhiều trường hợp con nợ không hợp tác sẽ không bán được tài sản thế chấp. Thứ hai, chế tài và giám sát chưa nghiêm minh, chưa công bằng và khách quan đối với tổ chức đấu giá. Đây là 2 vấn đề phải xử lý trước, chứ không phải là việc ai đứng ra tổ chức bán đấu giá. Nếu giải quyết tốt 2 vấn đề này, VAMC không đứng ra tổ chức đấu giá cũng có thể nhờ một tổ chức trung gian đứng ra bán tài sản cho mình một cách thuận lợi.

- VAMC mới được thành lập gần đây, chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động và đã có nhiều ý kiến hoài nghi về năng lực của VAMC. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Không nên có đặc quyền cho VAMC trong đấu giá tài sản như đề xuất trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Bởi lẽ, nếu có cho VAMC đứng ra đấu giá cũng không thể làm hơn được các công ty đấu giá chuyên nghiệp.

- Khi VAMC mới thành lập, tôi đã có ý kiến một tổ chức có 500 tỷ đồng để thực hiện mua tài sản hàng trăm ngàn tỷ đồng rất khó, dù có nâng lên vài ngàn tỷ cũng không thể thực hiện được. Một tổ chức để xử lý nợ xấu phải có thực lực tài chính. Những nỗ lực vừa qua của VAMC mới giúp NHTM khơi thông nợ xấu, tức bốc tài sản đó ra khỏi bảng cân đối tài sản của NHTM. Ở khía cạnh đó, VAMC có nhiều nỗ lực để giúp NH và người đi vay thoát khỏi tình trạng nợ xấu, đưa hoạt động tín dụng trở lại bình thường. Song để VAMC hoạt động hiệu quả phải có chủ trương rõ ràng.

Thực tế hiện nay nhiều bất động sản định giá để thế chấp NH là giá ảo. Cho đến nay vẫn chưa áp dụng bán lỗ, vì chủ nợ tức NH lo ngại bán lỗ sẽ khiến họ mất tài sản nên treo đó không xử lý. Bây giờ phải giải quyết vấn đề này, dứt khoát phải bán tài sản trên thị trường bằng giá thực, lỗ cũng phải bán. Nếu tài sản 100 đồng, doanh nghiệp thế chấp vay 70 đồng, nay bán 50 đồng, NH sẽ tiếp tục ghi nợ doanh nghiệp đó 20 đồng. Nếu làm như vậy sẽ đưa giá trị tài sản về giá thực và xử lý vấn đề từ gốc. VAMC đã giải quyết giai đoạn đầu để tạm thời thu hẹp nghẽn tín dụng, nhưng tiếp theo phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

- Việt Nam đang hướng đến việc xây dựng thị trường mua bán nợ. Theo ông cần xử lý những điểm nghẽn nào để thị trường mua bán nợ sớm hình thành?

- Muốn hướng tới thị trường mua bán nợ phải giải quyết những điểm nghẽn về thủ tục hành chính tư pháp, dân sự, minh bạch quyền của chủ nợ và nghĩa vụ của con nợ, tạo điều kiện giải quyết một số vấn đề trong thủ tục chuyển nhượng bất động sản, nhất là đất đai. Đồng thời, cần gỡ vấn đề người sẽ mua là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. 2 năm trước, tôi đã đề nghị xây dựng một nghị quyết Quốc hội về việc xử lý những vấn đề đó, Chính phủ phải trình ra những vấn đề có liên quan trên thị trường mua bán nợ, hoặc xây dựng luật xử lý vấn đề nợ xấu liên quan tới nhiều vấn đề mới tạo ra được thị trường mua bán nợ, vì hiện nay các luật chồng chéo nhau rất khó thực hiện.

- Theo ông, liệu có nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu như đề xuất trong dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư?

- Theo tôi, để xử lý nợ xấu, có một số việc phải làm. Thứ nhất, Chính phủ phải tăng nguồn lực bằng tiền cho VAMC. Tôi nghĩ không thể lấy ngân sách cân đối hàng năm để xử lý nợ xấu, chúng ta còn có các nguồn khác có thể mượn để xử lý, như các quỹ cổ phần hóa hay quỹ dự trữ để tăng tiềm lực cho VAMC có một khoản tiền để mua bằng tiền tươi thóc thật. Thứ hai, phải chấp nhận không phải VAMC thế chấp NH bao nhiêu sẽ chuyển lại giá bao nhiêu, phải tính toán lại việc mua và khả năng có thể bán. Cuối cùng phải xử lý toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan. Hiện nay VAMC chưa phải là mua hẳn tài sản của NHTM mà NH chỉ chuyển qua VAMC để xử lý nhanh. Tổ chức này có nhiệm vụ giữ tài sản, dự phòng rủi ro tài sản. Do đó cần phải tính toán lại thực chất, tổ chức mua nợ phải đúng nghĩa là VAMC.

- Xin cảm ơn ông.

Yên Lam (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160925/khong-de-vamc-dac-quyen-dau-gia-tai-san.aspx