Không để tạo tiền lệ xấu trong bảo vệ sở hữu công nghiệp

Vụ việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bị kiện trong vụ án hành chính do từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu đã được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hậu Giang xét xử sơ thẩm ngày 22-9-2015.

Dự kiến vào 28-8-2016 tới đây, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Đây là vụ án được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm vì liên quan đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Báo Quân đội nhân dân tiếp tục tìm hiểu để giúp dư luận và các cơ quan pháp luật có thêm nhiều thông tin khách quan về sự việc.

Ban hành quyết định đúng thẩm quyền

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đã kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 13/2015/HC-ST ngày 22-9-2015 của TAND tỉnh Hậu Giang. Đơn kháng cáo đã phản bác lập luận hết sức vô lý đến mức “buồn cười” của TAND tỉnh Hậu Giang: Thừa nhận quyền từ chối cấp chứng nhận là của Cục Sở hữu trí tuệ nhưng Cục trưởng ký ban hành quyết định là… sai. TAND tỉnh Hậu Giang cho rằng, “Quyết định số 11692/QĐ-SHTT ngày 26-2-2015 do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành đồng thời ủy quyền cho Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký thay Cục trưởng với tư cách là cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định là sai thẩm quyền”.

Bác bỏ lập luận trên, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, khẳng định: “Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định: Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Nghị định số 122/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được ban hành kèm Quyết định số 69/QĐ-BKHCN ngày 15-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thu giữ sản phẩm vi phạm nhãn hiệu Bảo Xuân tại Hà Nội

Thu giữ sản phẩm vi phạm nhãn hiệu Bảo Xuân tại Hà Nội

Theo Điều lệ: Cục được tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với bàn bạc tập thể. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ. Khi Cục trưởng vắng mặt, một Phó cục trưởng được ủy quyền điều hành hoạt động của cục. Do đó, việc Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục từ chối cấp văn bằng bảo hộ, ủy quyền Phó cục trưởng ký Quyết định để từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là hoàn toàn đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật".

Phán quyết thiếu khách quan, ngược tiền lệ

Phân tích về sự việc, Luật sư Nguyễn Minh Hương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, có nhiều sai sót, bất cập như TAND tỉnh Hậu Giang đã viện dẫn nhóm phân loại sản phẩm theo Bảng phân loại quốc tế về sản phẩm dịch vụ để làm cơ sở phân biệt sản phẩm được gắn nhãn hiệu. Trong khi đó, đây là điều đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) khuyến cáo cơ quan đăng ký nhãn hiệu của các nước cần tránh. Mặt khác, tòa án đã viện dẫn hình thức của sản phẩm, quy cách đóng gói sản phẩm, cơ quan đăng ký lưu hành sản phẩm làm căn cứ để đánh giá tính tương tự của sản phẩm là trái với quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14-2-2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Từng theo dõi nhiều vụ việc liên quan tới sở hữu công nghiệp, Luật sư Nguyễn Minh Hương cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ trước đây từng ra quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu TRƯỜNG SINH, sản phẩm sữa đậu nành cho Công ty TNHH Trường Sinh vì cho rằng, sữa đặc có đường và sữa đậu nành dễ bị lẫn thành sản phẩm cùng loại. TAND TP Hà Nội ra phán quyết buộc Công ty TNHH Trường Sinh phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu TRƯỜNG SINH cho sản phẩm sữa đậu nành để giải quyết vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH Trường Sinh với Công ty Foremost, chủ sở hữu nhãn hiệu TRƯỜNG SINH đối với các sản phẩm sữa. Để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, pháp luật về sở hữu trí tuệ của

Việt Nam và thế giới đều ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu trùng nhau cho sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hoặc có liên quan với nhau. Ví dụ trong lĩnh vực hàng không, có hãng máy bay Airbus thì sẽ không có một hãng sản xuất động cơ nào được lấy tên Airbus đặt cho động cơ cho dù máy bay và động cơ là hai sản phẩm khác nhau được phân vào hai nhóm sản phẩm khác nhau. Trong vụ việc nhãn hiệu Bảo Xuân, tòa án cần xét xử tương tự để bảo đảm khách quan, đúng pháp luật.

Tòa phúc thẩm cần bác đơn khởi kiện, sửa án sơ thẩm

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: Phán quyết của phiên tòa sơ thẩm thiếu khách quan, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Song đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành phức tạp, không dễ hiểu đối với nhiều người, kể cả với tòa án nên phiên tòa phúc thẩm cần xem xét thận trọng, khách quan hơn. Riêng với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, trong thời gian qua, vẫn tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm của cơ sở Ngân Anh là đúng quy định của pháp luật bởi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực. Mặt khác, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 140154 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Công ty Ích Nhân từ ngày 6-1-2010, trước 7 tháng so với thời điểm Cơ sở mỹ phẩm Ngân Anh nộp đơn. Vì vậy, nhãn hiệu của Công ty Ích Nhân phải được bảo hộ và mọi vi phạm phải bị xử lý.

Trước đó, Viện KSND đã quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị TAND Tối cao xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Việc cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu có trước, từ chối cấp chứng nhận đăng ký và bảo hộ đối với nhãn hiệu trùng lặp, có sau là hoàn toàn cần thiết và đúng pháp luật, cần phải được hoan nghênh, bảo vệ. Phiên tòa phúc thẩm tới đây cần khắc phục sai sót của tòa sơ thẩm, tránh tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến vai trò cơ quan quản lý Nhà nước cũng như vi phạm các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

Theo qdnd.vn

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tai-chinh/khong-de-tao-tien-le-xau-trong-bao-ve-so-huu-cong-nghiep-d98739.html