'Không để sự cố ảnh hưởng bệnh nhân chạy thận'

Đến thăm bệnh nhân chuyển viện từ Hòa Bình xuống Bạch Mai (Hà Nội), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ miễn phí toàn bộ, lo ăn ở cho các bệnh nhân.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu không để thêm bệnh nhân tử vong khi chạy thận Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận vụ 7 bệnh nhân tử vong trong số 18 người đang lọc máu ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa rất trầm trọng.

Làm việc với Bệnh viện Bạch Mai sáng 30/5, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận sự cố y khoa làm 7 bệnh nhân tử vong trong số 18 bệnh nhân đang lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là một sự cố y khoa rất trầm trọng, dù hàng năm cả nước có hàng triệu bệnh nhân lọc máu.

Bộ Y tế đang phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tìm ra nguyên nhân, làm rõ các sai phạm. Nếu có sai phạm sẽ xử lý ngay.

"Trước tiên là Bệnh viện Bạch Mai đưa bệnh nhân về đây chữa trị, có 1 bệnh nhân nặng, phải cố gắng không để xảy ra tử vong. Hiện ở Hòa Bình còn có một bệnh nhân nặng và chữa trị cho 100 bệnh nhân lọc máu hàng ngày, không để cho bệnh nhân vì vụ việc này mà không đến chữa trị", bà Tiến cho biết.

Chia sẻ với nỗi đau bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, lãnh đạo Bộ Y tế hứa sẽ cùng hội đồng chuyên môn tìm ra sai phạm để xử lý, rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

"Đây là trường hợp lần đầu tiên có trong ngành, dù quy trình chuyên môn rất là chuẩn", bà Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân nghi sốc phản vệ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Như.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân nghi sốc phản vệ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Như.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, chi phí chữa bệnh cho các bệnh nhân sẽ do bảo hiểm chi trả. Ngoài ra, với những chi phí ngoài bảo hiểm như lọc máu (có chi phí rất đắt), Bệnh viện Bạch Mai sẽ miễn phí toàn bộ đồng thời sẽ lo ăn ở cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Trước đó, khoảng 8h30 cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đã đến từng khoa phòng có các bệnh nhân chạy thận từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chuyển xuống để thăm hỏi, động viên người bệnh.

10 bệnh nhân ở Bạch Mai đa phần ổn định

Trở về từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định sự việc 18 bệnh nhân nghi sốc phản vệ là một tai biến y khoa nghiêm trọng, rất hiếm xảy ra và rất đau lòng.

8h30 sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (giữa) có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: L.H.

Theo chuyên gia, để thực hiện lọc máu rất phức tạp và quy trình gồm hàng chục công đoạn, thời gian kéo dài trong 3-4 tiếng.

“Có hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc thận, các biến chứng thường nghiêm trọng và xảy ra trong thời gian rất ngắn như tụt huyết áp, không phát hiện xử lý kịp thời thì trong 10 phút, bệnh nhân sẽ tử vong. Khi có sai sót, chỉ cần 10 ml khí vào máu bệnh nhân là đã không thể cứu được rồi. Máy chỉ cần hỏng một bộ phần nào đó là đã xảy ra biến cố”, bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Dũng cho biết 22h đêm qua, các bác sĩ đã chuyển 10 trong số 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ (7 người đã tử vong) từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình về Bệnh viện Bạch Mai. Một bệnh nhân nặng, tiên lượng khó vẫn phải ở lại điều trị, không thể chuyển về Hà Nội.

Bác sĩ Dũng thông tin hiện 10 bệnh nhân này đa phần ổn định, 1 bệnh nhân hơi nặng. Các bệnh nhân được điều trị rải rác ở các khoa: 4 bệnh nhân ở khoa Thận nhân tạo, một bệnh nhân ở khoa Cấp Cứu, 3 bệnh nhân ở Hồi sức tích cực và một ở khoa Chống độc.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng thông tin về các bệnh nhân đang được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận. Ảnh: Hoàng Như.

6h sáng nay, 3 bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực tỉnh táo, bình thường. Một bệnh nhân lúc lọc máu không tốt lắm nhưng giờ khá tốt. 4 bệnh nhân ở khoa Thận nhân tạo và Cấp cứu tạm ổn định.

"Hôm qua chúng tôi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, khó khăn nhất là hơn 100 bệnh nhân đang lọc máu tại Hòa Bình, 54 bệnh nhân hôm qua và 54 hôm nay chưa được lọc máu. Ngay hôm qua, chúng tôi đã có kế hoạch để giải quyết. Hiện chúng tôi đang túc trực ở đây để lọc máu các bệnh nhân, sau khi ổn định chúng tôi lại đưa họ về”, tiến sĩ Dũng cho hay.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay hiện các bệnh nhân đều được kiểm soát tốt. Bệnh viện đã liên hệ với BHXH Hà Nội và được cho biết, với các trường hợp điều trị cấp cứu như thế này, BHXH sẽ tham gia vào tích cực với người bệnh để đích cuối là cứu chữa bệnh nhân.

Sự cố sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình xảy ra như thế nào? Tối 29/5, nam bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu suốt một ngày. Đây là nạn nhân thứ bảy tử vong trong vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình.

Trước đó, ngày 29/5, sau khoảng 45 phút chạy thận ở Khoa Thận nhân tạo, 18 bệnh nhân suy thận mãn xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng... Khoa đã cho dừng chạy thận ngay. Bệnh viện huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu tích cực cho bệnh nhân, đồng thời báo cáo Bộ Y tế và xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt ngay trong đêm 29/5 tại Hòa Bình. Ông chỉ đạo ngành y tế và tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực bằng mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân, đồng thời thăm hỏi và động viên người nhà những người bệnh trong vụ tai biến y khoa này.

Hoàng Như - Hà Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-de-su-co-anh-huong-benh-nhan-chay-than-post750634.html