Không để ký ức về những người ngã xuống bị lãng quên

Từ 21 - 30.7, tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động ý nghĩa như ra mắt sách, triển lãm tranh vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng, giao lưu với các nhân chứng lịch sử... theo chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” để thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc.

Buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử trong chương trình “Người chiến sĩ ấy” tại Đường sách. Ảnh: T.L

“Hành trình về với mẹ”

Đó là chủ đề của buổi giao lưu ngày 27.7 giữa độc giả và họa sĩ Đặng Ái Việt - tác giả của 100 bức tranh Mẹ Việt Nam anh hùng, kỷ lục gia Châu Á “Người vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất”. Những câu chuyện buồn vui, những tâm tư đã làm nên sức mạnh cho nữ họa sĩ đã hơn 60 tuổi này thực hiện đam mê của mình được “bật mí” trong buổi giao lưu. Buổi giao lưu là một hoạt động trong chương trình chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” do Công ty TNHH MTV Đường Sách TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND Quận 1, Quận Đoàn 1 - Hội cựu chiến binh Quận 1, Thư viện Khoa học Tổng hợp, hoạ sĩ Đặng Ái Việt, NXB Tổng hợp cùng thực hiện.

100 bức tranh vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt cũng được trưng bày tại đường sách. Tại đây, còn có triển lãm trưng bày 100 đầu sách hay với 6 chủ đề: Bác Hồ với chiến sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng liệt sĩ; Đền ơn đáp nghĩa; Trên dãy Trường Sơn; Chiến trường khốc liệt. Triển lãm do Thư viện Khoa học tổng hợp phối hợp với Đường sách thực hiện. Bên cạnh đó là phần trưng bày, trang trí gian hàng sách theo từng cụm sách phù hợp với chuyên đề của các gian hàng sách tại Đường sách TPHCM.

Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM Lê Hoàng cho biết: Tuần lễ hoạt động chủ đề “Uống nước nhớ nguồn có buổi ra mắt sách “Ngục tù, thơ ca và tiếng nhạc” ghi lại ký ức của các cựu tù Côn Đảo được tôi luyện trong lửa đỏ ngục tù; “Tôi chết bắt đầu thế giới sống” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải với những câu chuyện về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ.

Thông điệp của tuần lễ: Hòa bình, hạnh phúc đang có ngày hôm nay đã được tạo dựng từ máu xương, từ những hy sinh, mất mát của những người mẹ, những chiến sĩ và đồng bào cả nước của những ngày hôm qua.

Gặp lại nhiều nhân chứng

Ngay trong chương trình khai mạc ngày 21.7, độc giả - trong đó có trên 150 đoàn viên thanh niên và thiếu nhi - đã tham dự chương trình giao lưu “Người chiến sĩ ấy” với 3 nhân vật: Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 2/4 Phan Thị Ngọc Tươi; thương binh 2/4 Phạm Văn Toản; nhà văn Mã Thiện Đồng - tác giả của nhiều tác phẩm giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ.

Buổi giao lưu cùng với các nhân chứng lịch sử khắc họa rõ nét sự hy sinh của các thế hệ đi trước cho nền độc lập dân tộc, đồng thời phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, chương trình cũng nhằm khuyến khích văn hóa đọc của đoàn viên, thanh niên khi cùng tìm hiểu về các tác phẩm thực hiện những mục tiêu nêu trên. Người tham dự cùng trải qua những giây phút “gay cấn” cho cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về ngày 27.7 và truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Quận Đoàn 1 - Hội Cựu chiến binh Quận 1.

Buổi giao lưu nhân dịp ra mắt sách “Ngục tù, thơ ca và tiếng nhạc” ngày 29.7 sẽ là những phút giây lắng đọng với nhiều ý nghĩa. Chương trình sẽ có những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử. Khách mời của chương trình là bà Lê Tú Cẩm - nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM - người từng “nếm mùi” nhà tù Côn Đảo với những đòn tra khảo kinh hoàng.

Song song cùng các hoạt động nói trên, Công ty TNHH MTV Đường sách TP. Hồ Chí Minh còn tặng 100 vé tham quan Vietopia dành cho 100 em thiếu nhi của các gia đình thương binh, liệt sĩ tại quận 1; tặng 1.000 phiếu quà tặng ưu đãi 30% giá trị sách dành cho các đơn vị UBND quận 1, Quận Đoàn 1 - Hội Cựu chiến binh quận 1, Thư viện Khoa học Tổng hợp, tặng 70 phần quà cho các cựu chiến binh quận 1...

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/khong-de-ky-uc-ve-nhung-nguoi-nga-xuong-bi-lang-quen-687266.bld