Không dễ kiểm soát chất lượng tôm

Kiểm soát chất lượng con tôm xuất khẩu là câu chuyện không hề đơn giản trong bối cảnh con giống và vật tư đầu vào ngành nuôi tôm đang có không ít vấn đề.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Tại buổi đối thoại về thủy sản với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam” tổ chức tại Cần Thơ hôm nay, 15-11, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa nhận với sản lượng khoảng 100 tỉ con tôm giống/năm, ngành sản xuất tôm giống hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong nước. “Nhưng về chất lượng có thể nói thật sự là không ổn, thậm chí phải nói là chất lượng rất kém”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân là do có nhiều cơ sở sản xuất giống không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về điều kiện an toàn sinh học, nguồn tôm bố, mẹ (nhất là tôm sú) phụ thuộc vào khai thác tự nhiên là chính nên chất lượng tôm giống rất kém.

Trong khi đó, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản của Tổng cục Thủy sản, cho biết trên thị trường có quá nhiều chủng loại thức ăn, thuốc thú y cũng như kháng sinh khiến việc kiểm soát rất khó khăn, mà chất lượng sản phẩm tôm nuôi cũng thường xuyên có vấn đề. “Hiện có đến 2.800 loại thức ăn hỗn hợp; 3.800 sản phẩm thức ăn bổ sung và 2.800 chất xử lý môi trường”, ông Cẩn dẫn chứng.

Nuôi tôm bằng con giống kém chất lượng lại dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh để tránh bị thiệt hại và đó cũng là lý do có hàng ngàn loại kháng sinh được lưu hành trên thị trường như hiện nay.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng bây giờ các hệ thống phân phối lớn như Wal Mart bên Mỹ và một số hệ thống khác của thế giới đã yêu cầu sản phẩm tôm phải hoàn toàn không có kháng sinh mới được vào hệ thống phân phối của họ. “Do đó, trong sản xuất thời gian tới chúng ta phải thay đổi”, ông Quang kêu gọi.

Tuy nhiên, thay đổi bằng cách nào khi chất lượng con giống chưa được giải quyết cũng như việc có quá nhiều các chế phẩm hóa chất kháng sinh như hiện nay, đó thực sự là một vấn đề rất khó giải quyết.

Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối chương trình nuôi trồng thủy sản và thực phẩm của Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF), cho rằng cần phải có cơ chế minh bạch trong vấn đề kiểm tra kháng sinh, chẳng hạn, tiền ngân sách cho kiểm tra vi sinh, kháng sinh phải được công khai.

Theo ông Tịnh, cũng cần phải có những nghiên cứu nuôi tôm bằng con giống chất lượng, được chứng nhận, và tỷ lệ thành công như thế nào so với tôm không có chứng nhận, vì đây là yếu tố quyết định để loại bỏ cơ sở sản xuất giống kém chất lượng.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153876/khong-de-kiem-soat-chat-luong-tom.html/