Không để học viên cai nghiện có cảm giác bị quản thúc

Ngày 9-11, trao đổi với phóng viên về việc hàng trăm học viên cai nghiện ở Đồng Nai có hành vi đập phá gây náo loạn trung tâm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, cơ sở vật chất chật hẹp, số lượng học viên quá đông nhưng chưa được sàng lọc, tâm lý dễ bị kích động là nguyên nhân khiến học viên cai nghiện liên tục bỏ trốn.

- Thưa ông, chỉ trong vòng 20 ngày, đã xảy ra tới 3 vụ việc học viên cai nghiện đập phá, trốn ra ngoài, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Ngay sau khi xảy ra vụ học viên trốn ra ngoài tại Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có mặt tại Đồng Nai thị sát tình hình, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và khắc phục hậu quả. Nguyên nhân chính dẫn đến việc học viên cai nghiện bỏ trốn tại một số trung tâm thời gian gần đây, đặc biệt là vụ học viên liên tiếp “vượt rào” tại trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai là do cơ sở vật chất hạn chế, số lượng học viên quá đông so với sức chứa của cơ sở; phần khác do tâm lý manh động của một số đối tượng.

Hiện nay, phần lớn những người được đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc về tâm lý và nhận thức đều chưa hoàn toàn tự nguyện mà thường cho rằng mình “bị bắt đi cai” nên lúc nào cũng có tư tưởng muốn thoát ra. Trong khi đó, việc sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp có xu hướng tăng nhanh, tại các tỉnh phía Nam có trung tâm thống kê được 80% học viên là người sử dụng ma túy đá - loại ma túy gây ảo giác, tổn thương tinh thần nên dễ bị kích động mạnh. Lợi dụng tâm lý đó, một bộ phận người nghiện là những đối tượng “cộm cán” trong các trung tâm đã tìm cách kích động, xúi giục dẫn đến việc nhiều học viên phá phách, gây náo loạn rồi bỏ trốn.

- Qua sự việc này, Bộ cần làm gì để hạn chế tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn?

- Để hạn chế tình trạng học viên phá trại, các địa phương phải tập trung xử lý tốt một số vấn đề. Trước hết, phải phân loại từng đối tượng. Số học viên nghiện nặng, có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây gổ, kích động, lôi kéo, cần được quản lý chặt, tách ra một khu vực riêng. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư cho cơ sở vật chất đảm bảo được mức tối thiểu về điều kiện vệ sinh, ăn ở. Người nghiện được ăn ở tốt, sinh hoạt văn hóa thể thao tốt, đời sống tinh thần thoải mái thì sẽ không nghĩ đến việc bỏ trốn.

Nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo việc làm để người nghiện yên tâm cai nghiện

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc cai nghiện tập trung chưa phải là giải pháp tối ưu, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thực tiễn chứng minh, phương thức cai nghiện tập trung chưa đem lại kết quả mong muốn, hầu hết các đối tượng sau cai nghiện bắt buộc trở lại cộng đồng đều tái nghiện. Do đó, về lâu dài, chúng ta phải đổi mới phương thức này theo hướng cai nghiện tại cộng đồng bằng các giải pháp y tế và xã hội. Sử dụng các loại thuốc thay thế như Methadone dù chưa được như mong muốn nhưng hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp cũ. Thống kê cho thấy, hơn 45% người sử dụng Methadone ở cộng đồng sau 2 năm không quay lại sử dụng ma túy. Nhưng dù là đối tượng nào thì việc nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện cũng phải được chú trọng.

Để học viên yên tâm khi điều trị, các trung tâm, cơ sở cai nghiện phải khiến họ hiểu được cai nghiện là biện pháp giúp đỡ, là chữa bệnh chứ không phải bị quản thúc, giam hãm. Nếu học viên mang suy nghĩ bị giam hãm thì sẽ luôn nung nấu tư tưởng không hợp tác, lợi dụng sơ hở để gây rối. Do đó, cán bộ tại các trung tâm phải có thái độ thân thiện khi trợ giúp chứ không đơn thuần chỉ là quản lý. Cần gần gũi, chia sẻ, tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học viên.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-de-hoc-vien-cai-nghien-co-cam-giac-bi-quan-thuc/708012.antd