Không để du lịch Việt Nam tụt hậu

Sáng 9.8, tại TP.Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và lãnh đạo nhiều bộ ngành, tỉnh thành và doanh nghiệp du lịch lớn của cả nước. Hội nghị đã chỉ ra, bên cạnh tiềm năng, thế mạnh để phát triển, ngành du lịch Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ tụt hậu, bởi nhiều hạn chế tồn tại lâu nay đã và đang trở thành rào cản sự phát triển kinh tế theo định hướng du lịch là ngành mũi nhọn.

Thủ tướng vui vẻ selfie cùng du khách ở Hội An. Ảnh: P.V

Khách đi không trở lại

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đón 5,55 triệu lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách nội địa. Trong năm 2015, ngành du lịch tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch.

Báo cáo cũng nêu rõ những vấn đề hạn chế trong nội tại ngành du lịch như xúc tiến và quảng bá hạn chế về nguồn lực và hiệu quả; thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực; công tác quản lý về môi trường du lịch và điểm đến còn bất cập; nguồn nhân lực hạn chế về số lượng và chất lượng; định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững, dựa vào cộng đồng chưa được thể hiện rõ... Bên cạnh đó, về vĩ mô, liên ngành như nhận thức giữa các cấp ngành và địa phương về du lịch chưa đồng bộ, mức độ quan tâm thực sự đến phát triển du lịch còn chưa cao; quy hoạch và quản lý thực hiện du lịch và các lĩnh vực liên quan còn nhiều bất cập...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn thừa nhận du lịch Việt Nam còn nhiều điều kiện để phát triển nhưng cũng không ít những nguy cơ tụt hậu. Theo Phó Thủ tướng, 70% số khách quốc tế đến với Việt Nam một đi không trở lại, Việt Nam chỉ xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh du lịch, tài nguyên thiên nhiên xếp hạng 40, tài nguyên văn hóa xếp hạng 33, sức cạnh tranh về giá ở hạng 22…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn nạn về môi trường du lịch khiến du khách một đi không trở lại Việt Nam, đó là cướp giật, trộm cắp, “chặt chém”,
vệ sinh…

15 triệu khách quốc tế vào năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã kiến nghị đến Chính phủ những vấn đề về quy hoạch du lịch, các cơ chế và chính sách liên quan, thí điểm văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường, nâng cấp phát triển đồng bộ sân bay Chu Lai, nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò phục vụ du lịch sinh thái... Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam kiến nghị việc khai thác thị trường khách du lịch cần ổn định về chất lượng và số lượng. Đại diện Hãng hàng không Vietjet Air thì cho rằng, con người là nhân tố quan trọng nhất trong việc phát triển du lịch. Các lực lượng công an, hải quan cần thân thiện hơn nữa trong việc đón khách du lịch.

Trong khi đó, đại diện nhiều hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch đa phần đều có nhiều kiến nghị tương đối giống nhau xung quanh các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, dự báo thị trường du khách, cơ chế, chính sách sử dụng đất và thuế đất, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, cần có tổ chức quản lý việc hoạt động của các hướng dẫn viên du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách, đơn giản hóa thủ tục hộ chiếu, visa…

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến nguy cơ tụt hậu của ngành du lịch Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng nêu lên một loạt kiến nghị, cần có sự nhận thức, tư duy rõ ràng về phát triển du lịch; tập trung cải thiện hạ tầng du lịch ở các vùng/điểm du lịch trọng điểm; tập trung cải thiện môi trường du lịch; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý hiệu quả của Nhà nước. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến môi trường du lịch văn minh trong cộng đồng. Theo đó, yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành đặc biệt quan tâm đến 3 tiêu chí về trật tự, giá cả liên quan đến đạo đức kinh doanh, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý nhiều vấn đề kiến nghị của các Phó Thủ tướng nêu ra. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, cấp 200 tỉ đồng cho Bộ Công an thực hiện visa điện tử. Thống nhất chủ trương thành lập cảnh sát du lịch, giao Bộ Công an thực hiện; giao Bộ GTVT thúc đẩy mở cửa, mở thêm đường bay quốc tế, chủ trì chỉ đạo thực hiện các ứng xử văn minh, thân thiện tại các cửa khẩu, cảng biển với du khách, Bộ VHTTDL ban hành bộ quy tắc ứng xử du lịch.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt chẽ điểm đến, đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch, đồng thời đổi mới tư duy trong phát triển du lịch. Phát triển du lịch phải giữ vững truyền thống văn hóa của người Việt Nam, phải bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đề ra yêu cầu ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 phải đón được 15 triệu khách quốc tế, 75 triệu lượt khách nội địa, đóng góp từ 10-12% GDP của cả nước.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khong-de-du-lich-viet-nam-tut-hau-581723.bld