Không để 'chìm xuồng'

Không để vụ tham nhũng nào “chìm xuồng” và nếu phát hiện vụ nào như vậy, đại biểu báo cáo ngay ra Quốc hội, “chúng tôi sẽ xử lý”.

Phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội hôm qua đã diễn ra với các động thái tương tự như vậy, người đứng đầu không ngại ngần trước những câu hỏi của đại biểu và trả lời hết sức ngắn gọn và thẳng thắn. Đáng chú ý là các vấn đề chất vấn liên quan rất nhiều đến việc xử lý cán bộ - một vấn đề rất lớn, rất được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Văn hóa từ chức được đề cập nhiều, song lần này thì dứt khoát, Thủ tướng sẽ giao Bộ Nội vụ có quy định “tạo điều kiện” cho những người cần phải từ chức. Sắp sửa có một hành lang pháp lý cho lòng tự trọng của các quan chức Việt Nam.

Ngay như việc tiếp dân, quan điểm của Thủ tướng là “không thể bố trí cán bộ yếu để tiếp dân được”, đó phải là những người có năng lực, dân vận tốt và đặc biệt phải thực hiện nghiêm Luật Tố cáo, khiếu nại của công dân. Thực hiện nghiêm Luật này đồng nghĩa với việc sẽ làm tốt việc phát hiện, xử lý cán bộ bị người dân tố cáo.

Rất đáng chú ý là đối với cán bộ thoái hóa, Thủ tướng kiên quyết: “Tại hội trường này, tôi khẳng định Chính phủ kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất khỏi bộ máy. Đây là yêu cầu hết sức cấp bách, vì vậy phải có chủ trương trong toàn hệ thống Đảng, Nhà nước, Chính phủ”.

Về những sai phạm của Formosa, Thủ tướng nhắc lại quan điểm của mình: “Nếu lặp lại sự cố môi trường sẽ đóng cửa Formosa, không tha thứ”. Tại một diễn biến khác, cũng vào hôm qua, trong cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề xử lý trách nhiệm cá nhân trong vụ Formosa cũng được đặt ra và được Thứ trưởng Bộ này cho biết đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, còn hình thức kỷ luật ra sao thì còn phải đợi kết quả từ trên.

Tóm lại, các sự kiện nóng như tình trạng phá rừng, tinh giản biên chế, dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”,... đều được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về việc xử lý và đều quy đến trách nhiệm của cán bộ quản lý lĩnh vực này. Không lấy tiền thuế của dân để bù đắp cho những dự án thua lỗ - đó là quan điểm của người đứng đầu Chính phủ. Cũng phải truy trách nhiệm đến cùng đối với các cán bộ làm “chảy máu” ngân sách, gây lãng phí, đồng thời chặn hết những con đường “tiểu ngạch” đối với những cán bộ tìm cách trốn ra nước ngoài.

Cử tri có quyền hy vọng và quyền được biết những động thái tiếp theo sau những phát biểu nghị trường của một Chính phủ kiến tạo, liêm khiết và minh bạch, xử lý nghiêm nhưng cá nhân thoái hóa, tham nhũng để lấy lại niềm tin từ người dân.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/khong-de-chim-xuong-305714.html