"Không đầu tư nhà máy chip, sẽ mãi chỉ đi lắp ráp"

(TBKTSG Online) - TPHCM đang triển khai chương trình phát triển vi mạch đến năm 2020. Trong đó mảng đầu tư nghiên cứu phát triển, thiết kế vi mạch rất được ủng hộ, còn mảng đầu tư nhà máy sản xuất chip (linh kiện trong các thiết bị điện tử) thì gặp nhiều phản ứng của chuyên gia.

"Không đầu tư nhà máy chip, sẽ mãi chỉ đi lắp ráp"

Vân Oanh thực hiện

Ông Lê Manh Hà

Trong cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM 2013 – 2020 đã nói về việc vì sao thành phố cần phải đầu tư nhà máy sản xuất chip này.

>>> TPHCM hợp tác với Nhật thiết kế và sản xuất chip

TBKTSG Online: Ngành công nghiệp vi mạch của thế giới đã phát triển được 50 năm nay. Đến như Qualcomm, một nhà sản xuất chip lớn của Mỹ (đến nay đã sản xuất được hơn 11 tỉ chip các loại) cũng chỉ đầu tư cho nghiên cứu thiết kế chip rồi đi thuê sản xuất. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam chỉ nên đầu tư cho nghiên cứu và thiết kế chứ không nên đầu tư nhà máy sản xuất chip. Xin ông cho biết ý kiến trước quan điểm này?

- Ông Lê Mạnh Hà: Họ nói thế không hẳn là đúng. Vì hiện nhu cầu thị trường trong nước khá lớn. Mỗi năm Việt Nam phải nhập vài chục triệu chip để sản xuất sim điện thoại, thẻ ngân hàng, sử dụng cho hộp đen hành trình ô tô... vậy tại sao lại không đầu tư nhà máy để sản xuất chip.

Thị trường trong nước đã có sẵn, khi đầu tư nhà máy ta chỉ tìm cách lấy lại. Không chỉ phục vụ mục đích thương mại, việc đầu tư nhà máy còn nhằm đảm bảo yêu cầu về an ninh. Như Viettel nói họ có thể sản xuất được thiết bị quân sự. Nhưng cái chip (trung tâm điều khiển) ở trong thiết bị đó lại nhập của nước ngoài thì còn nói gì là an ninh nữa.

Nhưng có ý kiến cho rằng nếu Việt Nam sản xuất chip thì chỉ có bắt buộc tạo hàng rào kỹ thuật mới có thể tiêu thụ được sản phẩm, chứ không thể cạnh tranh với nước ngoài về hiệu năng cũng như giá. Và họ cũng cho rằng không thể tạo những hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn việc dùng chip nước ngoài?

- Việc dựng hàng rào về kỹ thuật và an ninh là bình thường. Với những doanh nghiệp nhà nước, có thể yêu cầu họ sử dụng chip trong nước để đảm bảo an ninh.

Sao mình không đầu tư nghiên cứu phát triển và thuê nhà máy của Intel tại Việt Nam sản xuất, thưa ông?

- Đi thuê thì không khác gì sản xuất ở nước ngoài, không làm chủ được về an ninh.

Vậy xin ông cho biết hiện chương trình công nghiệp vi mạch của TPHCM đã thực hiện đến đâu? Bao giờ nhà máy sản xuất chip sẽ được đầu tư?

- TP HCM đang tập trung nghiên cứu thiết kế thử nghiệm. Kinh nghiệm các nước cho thấy, để cho hoạt động này thành công thì cần có sự tham gia lớn của nhà nước, chứ nếu để chỉ doanh nghiệp làm sẽ rất khó. Bởi đầu tư một nhà máy sản xuất chip cần vốn khoảng vài trăm triệu đô la Mỹ trong khi đây lại là lĩnh vực công nghệ thay đổi liên tục. Do đó thành phố đang tiến hành nghiên cứu rất kỹ bởi biết rằng đầu tư nhà máy sản xuất chip rất rủi ro, mạo hiểm.

Thành phố đang cố gắng nghiên cứu dự án đầu tư nhà máy khả thi nhất, trước mắt có thể đầu tư nhà máy với quy mô nhỏ để dần tiếp cận thị trường, để vẫn đạt được mục tiêu nhưng lại giảm được mạo hiểm xuống mức tối thiểu.

Ông có thể so sánh mức độ mạo hiểm khi đầu tư nhà máy sản xuất chip với đầu tư các nhà máy khác?

- Mạo hiểm hơn rất nhiều song cơ hội rất lớn. Bởi khi đầu tư nhà máy nó sẽ là cuộc cách mạng trong công nghiệp. Bởi hiện mọi thiết bị điện tử đều cần dùng đến chip. Mà chip là cái quan trọng nhất, điều khiển trong các thiết bị điện tử. Nếu ta không đầu tư thiết kế và sản xuất chip thì suốt đời ta sẽ chỉ lắp ráp và gia công điện tử. Mà hoạt động này sớm muộn gì sẽ sập hết.

Hơn nữa việc đầu tư cho ngành công nghiệp vi mạch không chỉ tốt cho mảng hoạt động phần cứng của Việt Nam mà còn tốt cho cả mảng phần mềm. Vì mỗi sản phẩm chip đều có sản phẩm phần mềm điều khiển được tích hợp vào nó. Do đó sẽ tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm phần mềm.

Có ý kiến cho rằng đầu tư công nghiệp vi mạch quan trọng là nghiên cứu phát triển mà để làm tốt khâu này thì nhân lực là yếu tố quan trọng và cần phải có thời gian dài để đầu tư, thậm chí cử đi học hỏi tại các nước phát triển, trong khi trình độ nhân lực của ta còn kém. Ông nghĩ sao về điều này?

- Về nhân lực, tiềm năng người Việt khá lớn, đang tản mát ở trong và ngoài nước. Ta có đội ngũ rất nhiều Việt kiều làm ở thung lũng Silicon của Mỹ về vi mạch tâm đắc cho việc phát triển này của TPHCM. Đã có nhiều người có sáng chế trong lĩnh vực này, thậm chí là hàng đầu ở nước ngoài, sẵn sàng về đầu tư nhà máy sản xuất. Nhận thấy rằng phần đào tạo nhân lực là quan trọng nhất nên thành phố đang tập trung cao cho việc này.

Vậy ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng cơ hội cho Việt Nam tham gia ngành công nghiệp vi mạch đã qua rồi. Ngay như Đài Loan rất mạnh về công nghiệp vi mạch nhưng hiện giờ có nhiều công ty phá sản?

- Đúng là cơ hội để phát triển thành những quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp này là hơi khó. Nhưng ta vẫn cần phải tham gia vào ngành công nghiệp này để đáp ứng nhu cầu thiết yếu nội tại hay cho nhu cầu an ninh quốc phòng, thị trường dân dụng, thông dụng đơn giản... chứ ta không định hướng sản xuất chip cho điện thoại di động, một thị trường có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.

Xin ông cho biết TPHCM dựa vào cơ sở nào để đẩy mạnh đầu tư phát triển vi mạch?

- TPHCM có ý định trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về vi mạch và có những cơ sở để biến điều đó thành hiện thực. Việc phát triển vi mạch tại TPHCM đã được tiến hành cách đây từ 10 năm, từ đầu năm đến nay mới tập trung phát triển mạnh. TPHCM đã có ICDREC là trung tâm nghiên cứu vi mạch mạnh nhất cả nước, đã cho ra đời những thiết kế vi mạch đầu tiên từ năm 2008.

Một điều kiện thuận lợi nữa để TPHCM phát triển công nghiệp vi mạch là có hạ tầng khu công nghệ cao; có các công ty hàng đầu thế giới về vi mạch đầu tư và hoạt động như Intel hay các công ty đến từ Nhật Bản… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực này như Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Đồng thời, TPHCM cũng có Hội vi mạch (HSIA) mới được thành lập đang không ngừng kêu gọi và thúc đẩy sự phát triển ngành này.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/congnghe/toancanh/105544/