Không đặt nặng vấn đề 'ăn thua' trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sáng 14/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết 4 năm thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo.

Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Xuân Đại – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân giai đoạn 1/7/2012 - 1/7/2016 đều giảm so với giai đoạn trước (1/7/2008 - 30/6/2012), thể hiện trên các chỉ tiêu: Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh giảm 43,8%, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 32,3%, số vụ đoàn đông người kéo ra Trung ương và lên tỉnh để khiếu kiện giảm 44,4%.

Đồng chí Lê Xuân Đại – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, bức xúc chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH (làm đường giao thông, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, chuyển đổi các nông lâm trường,…); khiếu nại đòi lại nhà đất trước đây có sử dụng nhưng nay nhà nước đã giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng; tranh chấp đất đai giữa các hộ dân; tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát, lãnh phí, làm ảnh hưởng lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

Đối thoại với nhân dân là một trong những giải pháp được thảo luận tại hội nghị. Trong ảnh: Cán bộ huyện Nghi Lộc tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Tại hội nghị, đại diện các ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị đã tập trung thảo luận về những kinh nghiệm, mặt đạt được và chưa đạt được trong quá trình áp dụng, sử dụng luật để giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Trong đó nhiều tham luận cho rằng phải quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; cần kết hợp giữa giải quyết đúng pháp luật với công tác đối thoại trực tiếp với công dân nhằm vận động tuyên truyền, thuyết phục, làm cho công dân hiểu và tự giác chấp hành quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền để chấm dứt khiếu kiện.

Đồng chí Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo địa phương và các ban, ngành liên quan”.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các sở, ban, ngành thời gian qua. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các cấp các ngành phải hạn chế tốt nhất đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, làm tốt công tác dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại với người dân, phát huy tốt đội ngũ cộng tác viên và hòa giải viên cơ sở.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh cán bộ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo không đặt nặng vấn đề “ăn thua” mà phải giải quyết thỏa đáng và đúng pháp luật. Bên cạnh đó cần chủ động nắm bắt, dự báo tình hình và thực hiện tốt công tác phân loại đơn thư; xem xét, giải quyết ngay từ khi vụ việc mới phát sinh; tránh đùn đẩy, né tránh; đồng thời đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Phương Thảo

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201610/khong-dat-nang-van-de-an-thua-trong-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-2744777/